Hội thảo “Kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long”

06/07/2020
3215

Sáng ngày 03/7/2020, tại thành phố Cần Thơ, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch thành phố Cần Thơ và Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo “Kết nối du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long”, Hội thảo nằm trong khuôn khổ diễn đàn du lịch “Ấn tượng Việt Nam” của Báo Tuổi Trẻ.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo


Sự kiện với sự tham dự của hơn 150 khách mời gồm lãnh đạo Tổng cục Du lịch, lãnh đạo các Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và đại diện các cơ quan truyền thông.
Hội thảo là một trong các hoạt động hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2020 liên kết phát triển du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Hội thảo nằm trong khuôn khổ diễn đàn du lịch “Ấn tượng Việt Nam” của Báo Tuổi Trẻ. Hội thảo kỳ vọng lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước về các giải pháp nhằm làm mới sản phẩm du lịch ĐBSCL, đưa ra các sản phẩm đặc trưng của du lịch các tỉnh và giải pháp để thu hút khách du lịch đến ĐBSCL.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực trù phú, có tài nguyên du lịch đa dạng, được xác định là một trong bảy vùng du lịch của cả nước, sản phẩm du lịch phong phú với nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng như chợ nổi, du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, du lịch văn hóa truyền thống, sản vật địa phương đặc sắc… Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long chưa tạo sức hấp dẫn để thu hút lượng lớn du khách trong nước và quốc tế, do sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lặp, chưa tạo ra được những điểm nhấn mới, đồng thời chưa khai thác triệt để tiềm năng vốn có... 
Chia sẻ tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, để tạo ra những bước đột phá trong việc phát triển sản phẩm, đẩy mạnh kích cầu du lịch, các địa phương trong vùng không thể làm một mình, mà nhất thiết phải liên kết chặt chẽ để phát hut tối đa tài nguyên và thế mạnh, đa dạng điểm đến, kết nối tour du lịch liên vùng và quốc tế; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, đẩy mạnh quảng bá thế mạnh tài nguyên du lịch… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các điểm đến và dịch vụ du lịch, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch của vùng đất “Chín Rồng” với du khách trong và ngoài nước. Qua đó, đưa ngành kinh tế không khói phát triển tương xứng với tiềm năng và bền vững. Các doanh nghiệp đánh giá vùng ĐBSCL có tiềm năng phát triển mạnh các sản phẩm du lịch đường thủy gắn với đặc điểm sông nước nhưng cần có sản phẩm chất lượng và khác biệt, chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ cao cấp như du thuyền.
Nhân dịp này, hưởng ứng chiến dịch Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam do Bộ VHTTDL phát động, các doanh nghiệp Vinpearl – Vinwonder, Vietjet, Saigontourist cũng đưa ra các chương trình liên kết kích cầu du lịch, công bố các điểm lưu trú, đường bay, tuyến tour mới đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Cụ thể, Vietjet tung ra các đường bay mới kết nối với Cần Thơ, Phú Quốc, Saigontourist công bố 5 tuyến tour mới đến Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm: Tour Mỹ Tho (Tiền Giang) - Cần Thơ - Cà Mau – Hà Tiên (Kiên Giang) - Đồng Tháp, tour Mỹ Tho - Cần Thơ; tour Sắc màu Khmer Nam Bộ gồm Trà Vinh - Vĩnh Long (2 ngày 1 đêm); tour Long An - Đồng Tháp- Châu Đốc (An Giang) – Hà Tiên (4 ngày 3 đêm); tour Cao Lãnh - Tràm Chim  Tam Nông– Làng Hoa Sa Đéc (2 ngày 1 đêm). Đại diện một doanh nghiệp lữu hành chia sẻ, để làm mới sản phầm du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, đơn vị lữ hành này đã đưa câu chuyện văn hoá, ẩm thực của từng vùng đất “Chín Rồng” vào sản phẩm tour nhằm tăng tính hấp dẫn cho du khách trải nghiệm và khám phá. Qua đó, tránh được sự trùng lắp sản phẩm, từng bước xóa bỏ tình trạng du khách đi một tỉnh là biết hết cả vùng miền Tây sông nước.


Trung Tín – P. QLDL

Bình luận

Bạn cần phải hoặc tài khoản mới để được bình luận.


Xin chào, xin mời bạn nhập câu hỏi tại đây!