Chợ nổi - nét văn hóa độc đáo ở miền Tây

22/11/2021
3935

Vì địa hình sông ngòi dày đặc nên các hoạt động kinh doanh buôn bán trên xuồng, ghe sông nước khá  phổ biến và đã có mặt từ hàng thế kỷ trước tại vùng đất này. Từ xa xưa việc buôn bán trên sông chính là hình thức giao thương chủ yếu của bà con miền Tây, khi giao thông và phương tiện đường bộ chưa được phát triển nhiều, hoạt động kinh doanh trên sông nước khá thuận tiện giúp bà con có thể dễ dàng vận chuyển hàng hóa đi xa tới những nơi khác.

Ngày nào cũng vậy, từ tờ mờ sáng bà con đã bắt đầu lên xuồng nổ máy chuẩn bị cho phiên chợ sớm, tiếng người, tiếng sóng rộn rã khắp nơi. Thuyền buôn lớn họp sớm, ghe xuồng nhỏ họp muộn hơn nhưng cũng khoảng 8-9 giờ sáng là chợ tan. 

Khách du lịch muốn đi chợ nổi đều phải đi rất sớm mới tham quan được hết những nét độc đáo này. Ảnh: Lý Hồng Vân

Nói về chợ nổi Cái Răng, chắc chắn mọi người sẽ biết ngay là một trong 3 khu chợ nổi lớn và nổi tiếng nhất miền Tây diễn ra hoạt động buôn bán vô cùng tấp nập thuộc địa phận Thành phố Cần Thơ. Nơi đây tập trung các thuyền buôn chuyển hàng đi rất nhiều nơi kể cả đi Campuchia hay Trung Quốc và chợ nổi Cái Răng cũng là địa điểm du lịch hút khách đến Cần Thơ.

Trên các mũi ghe bạn sẽ thấy những “cây bẹo” - những cây sào treo các loại mặt hàng mà ghe đó bán, nào khóm nào hành, tỏi,… đủ loại. 

Đi xa hơn một chút, cách Cần Thơ khoảng 30km về phía Nam chính là trung tâm giao thông, giao thương đường thủy lớn nhất khu vực Tây Nam Bộ là chợ nổi Ngã Bảy thuộc địa phận Hậu Giang.

Đây là nơi mà 7 tuyến sông Cửu Long gặp nhau nên các hoạt động lúc nào cũng tấp nập vô cùng. Mỗi khi cận tết nơi đây có thể một ngày lên đến hàng ngàn ghe xuồng lớn bé qua lại mua bán lấy hàng. Có thể nói khung cảnh buôn bán ấy còn vui vẻ dân dã và còn thoải mái hơn trên bờ rất nhiều.

Chợ nổi miền Tây là một điểm rất thu hút với các du khách phương xa. Ảnh: Lý Hồng Vân

Quay về chợ nổi Cái Bè, điểm nút giao thương của 3 tỉnh thành Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Trên sông là ghe xuồng đủ loại mặt hàng trái cây rau củ của bà con, chủ vườn đem ra giao cho thương lái. Đó là các nông sản trong vườn bà con trồng, có khi là quýt, vú sữa, chôm chôm, bưởi, cam hay dừa cùng các sản phẩm đã được chế biến từ các loại nông sản đó như xà bông từ dừa chẳng hạn...

Xuôi về vùng miệt thứ Cà Mau - Kiên Giang không còn đông đúc như những khu chợ nổi trên này mà các ghe hàng vẫn sống cả mấy thế hệ như một căn nhà trên bờ, có đầy đủ trang thiết bị như thường. Con người sống với nhau đơn giản môc mạc, có khi chẳng phải mua bằng tiền, có gì tương xứng thì đem ra đổi cũng xong. Dưới khu vực này bà con thường chở hàng bằng xuồng ba lá hoặc ghe tam bản để có thể đi sâu hơn để phục vụ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho bà con ở bên trong.

Có thuyền, ghe phục vụ du khách tham quan chợ nổi. Ảnh: Lý Hồng Vân

Chợ nổi miền Tây là một điểm rất thu hút với các du khách phương xa. Không chỉ ngắm cảnh dòng sông tấp nập xuồng lớn, ghe nhỏ đạp máy chèo tay mà còn được thưởng thức đặc sản thậm chí là trải nghiệm cảm giác ngồi nhậu bồng bềnh trên sông nước. Cái tốt đẹp nhất có thể cảm nhận được là cái tình người, mênh mông như sông nước và rộn ràng như tiếng máy xuồng... chất phác mà dân dã.

Mộc An (T/H)

Nguồn: Báo Gia đình

 

Bình luận

Bạn cần phải hoặc tài khoản mới để được bình luận.


Xin chào, xin mời bạn nhập câu hỏi tại đây!