Những câu chuyện về thương hồ chợ nổi Cái Răng

12/11/2021
973

Ở chợ nổi Cái Răng, nhắc đến tên vợ chồng anh La Văn Hiệp, chị Nguyễn Thị Trọn thì ai cũng tấm tắc khen họ sống tình nghĩa, buôn bán thật thà, trọng chữ “tín”. Sinh năm 1978, anh Hiệp đã có thâm niên 25 năm lênh đênh trên sông rạch miền Tây thu mua nông sản về bán buôn, bán lẻ ở chợ nổi Cái Răng. Đối với anh, thương hồ không chỉ là nghề mà còn là “nghiệp” bởi anh là đời thứ 3 trong một gia đình chuyên hành nghề mua bán nông sản trên sông.

Đón tiếp chúng tôi trên chiếc bè khang trang bên bờ sông Cái Răng lộng gió, anh cười thật thà: “Hôm nay nghe có nhà báo đến thăm nên tôi ở nhà chứ không thì đã xuống ghe sang Cầu Kè (Trà Vinh) tìm mua dưa hấu rồi. Dạo này dưa hấu hút hàng, bán được lắm!”.

Phòng khách khang trang trên chiếc bè thương hồ của vợ chồng anh La Văn Hiệp, chị Nguyễn Thị Trọn.

Tôi hỏi về chuyện thương hồ, anh Hiệp trầm ngâm: “Để kiếm ra tiền thì nghề nào cũng cực chứ không riêng gì thương hồ. Theo tôi, nếu chí thú thì nghề thương hồ bây giờ vẫn sống “được”. Quan trọng là mình phải biết nhạy bén, giữ gìn uy tín trong việc làm ăn”.

Anh Hiệp kể: Có lần anh bao tiêu cho một gia đình nông dân ở Vĩnh Thuận (Kiên Giang) trồng 10 công bí đỏ, giá cả thỏa thuận từ đầu vụ (nhưng chỉ thỏa thuận bằng miệng theo tập quán chứ không làm hợp đồng gì). Đến kỳ thu hoạch thì nhằm lúc giá bí đỏ trên thị trường đang rớt thê thảm. Một số người khuyên anh bỏ vì nếu mua vào cầm chắc anh lỗ ngay vài chục triệu. Anh lắc đầu, cương quyết: “Người ta tin tưởng mình mới không buộc làm hợp đồng, bỏ coi sao đặng?”. Chủ ruộng trồng bí đỏ cũng là người biết chuyện, ngỏ ý giảm giá để phụ anh 50% số tiền lỗ, anh cười: “Cứ theo giá thỏa thuận ban đầu mà tính. Giả sử như bí đỏ hiện nay hút hàng thì tui cũng đâu có tăng giá cho anh?”

Biết trọng chữ “tín”, vợ chồng anh Hiệp ngày càng ăn nên làm ra. Khi mới nối nghiệp cha, anh chỉ có chiếc ghe bầu vài tấn vừa là nơi buôn bán, vừa là nơi trú ngụ của cả gia đình gồm 4 người thì nay, vợ chồng anh đã đóng được chiếc bè hàng trăm triệu đồng để tách biệt không gian sinh hoạt, mua bán. Nhờ vậy, hai đứa con anh thuận lợi hơn trong việc học hành,  hàng năm đều được nhà trường cấp giấy khen vì thành tích học tập.

Theo vợ chồng anh Hiệp, muốn trụ vững với nghề thương hồ ngoài việc giữ chữ “tín” trong làm ăn còn phải biết xem trọng chữ “tình” trong quan hệ xã hội. Mua bán có phường nên dân thương hồ phải biết tương trợ lẫn nhau trong làm ăn mua bán lẫn sinh hoạt đời thường.

Đối với dân thương hồ, có hai điều ám ảnh họ nhất là tai nạn trên sông nước và nạn cướp bóc, xin đểu của đám giang hồ miệt vườn. Nhẹ thì mất tài sản, nặng thì mất cả mạng. Người thương hồ tuy rành rẽ từng khúc sông sâu, từng vực nước tử thần trên sông nước miền Tây, nhưng họ vẫn rất sợ những xoáy nước bất chợt xuất hiện hay những cơn giông lốc trái mùa hung hãn.

Có lần, đang điều khiển ghe chở dưa hấu trên khúc sông Hậu chảy qua địa phận huyện Kế Sách (Sóc Trăng) - vốn là khúc sông hiền lành - bỗng nhiên ngay trước mặt anh Hiệp xuất hiện một xoáy nước cuồn cuộn theo hình trôn ốc. Chiếc ghe hàng trọng tải 5 tấn chở khẳm bị chao nghiêng, cuốn vào vòng xoáy nhẹ nhàng như một chiếc lá. Vốn là một tài công giàu kinh nghiệm nhưng anh Hiệp vẫn bàng hoàng trước tình huống này. “Giờ nhớ lại tôi vẫn toát mồ hôi lạnh. Tài sản mất đi còn có thể làm lại được, người xuống đáy sông rồi bỏ vợ con lại ai lo?” -  Anh Hiệp tâm sự.

Thương hồ tấp nập là khung cảnh không thể thiếu của Di sản văn hóa phi vật thể Chợ nổi Cái Răng.

“Sông sâu, sào vắn khó dò…”, đời thương hồ rày đây mai đó nên ngoài những bất trắc khó lường từ những sóng cao, gió giựt nơi cửa sông hay những vực xoáy bất chợt, hung dữ họ còn phải đối phó với nạn trấn lộn, xin đểu của bọn đầu trộm đuôi cướp hay đám giang hồ vườn. Cuộc sống mưu sinh như thế đã tôi luyện dân thương hồ đa phần trở thành những con người từng trải, bản lĩnh và biết tương trợ lẫn nhau.

Ở khu vực chợ nổi Cái Răng này dân thương hồ vẫn còn truyền miệng kể cho nhau nghe câu chuyện về lão thương hồ giỏi võ tên Út Đẹt. Gần 80 tuổi nhưng da dẻ ông vẫn hồng hào, thân thể tráng kiện. Khuya nọ, ông điều khiển ghe đầy ắp trái cây về đến chợ nổi, vừa thả neo thì bị một tốp thanh niên đi xuống máy tấp định cướp trái cây. Xót của, ông vác chèo chống trả, đánh văng xuống sông vài tên nhưng chúng vẫn cậy đông ào tới. May mà nghe tiếng ông là hét, dân thương hồ ào tới hỗ trợ nên bọn cướp đành tháo chạy. “ Đó là câu chuyện của nhiều năm về trước, chứ bây giờ thì tình hình an ninh trật tự khu vực chợ nổi Cái Răng ổn hơn nhiều rồi. Nhờ lực lượng công an vào cuộc quyết liệt, camera an ninh được lắp khắp nơi nên bọn bất lương không còn đất sống ở đây nữa” - anh Hiệp nói.

Dân thương hồ chợ nổi Cái Răng không chỉ là là những người góp phần khơi thông dòng chảy cho nông sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, một mắc xích quan trọng trong việc đưa nông sản từ đồng ruộng lên bàn ăn của người tiêu dùng mà còn là hồn cốt, bản sắc văn hóa không thể thiếu của di sản văn hóa phi vật thể chợ nổi Cái Răng.

Những năm gần đây, thương hồ chợ nổi Cái Răng đã được Nhà nước quan tâm bằng các chính sách đãi ngộ như: cho vay vốn làm ăn với lãi suất ưu đãi; bố trí điểm tập kết nông sản thuận tiện trong thời điểm tiến hành thực hiện dự án “Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ”; xây dựng các mô hình Tổ hợp tác - HTX sản xuất nông sản sạch cung cấp cho chợ nổi…

Tuy vậy, khi vận tải đường thủy đang dần mất lợi thế cạnh tranh với vận tải đường bộ thì lượng ghe thương hồ tụ hội về khu vực chợ nổi Cái Răng cũng  sụt giảm khiến nhiều người lo ngại về sự tồn tại và phát triển của nó.

Di sản văn hóa phi vật thể Chợ nổi Cái Răng là một trong những điểm tham quan, du lịch nổi tiếng của miền Tây.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Công Khanh - Ủy viên Ban Thường vụ quận ủy, Phó Chủ tịch HĐND quận Cái Răng cho biết: “Đoạn bờ kè sông khu vực chợ nổi Cái Răng sẽ được thiết kế xây dựng sao cho thuận tiện nhất với tập quán mua bán của thương hồ. Chúng tôi luôn tâm niệm thương hồ là hồn cốt, là bản sắc văn hóa mang yếu tố sống còn của chợ nổi Cái Răng nên đặc biệt quan tâm, hỗ trợ họ bằng các chính sách phù hợp”.

Hy vọng, với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, di sản văn hóa phi vật thể chợ nổi Cái Răng với khung cảnh thương hồ tấp nập sẽ được bảo tồn và phát huy, sẽ mãi là ấn tượng đẹp trong lòng du khách khi đến với đô thị thủ phủ miền Tây.

Thụy Vũ

Nguồn: http://mientay.giadinhonline.vn/nhung-cau-chuyen-ve-thuong-ho-cho-noi-cai-rang-d5202.html?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo

Bình luận

Bạn cần phải hoặc tài khoản mới để được bình luận.


Xin chào, xin mời bạn nhập câu hỏi tại đây!