Chợ nổi Cái Răng – dấu ấn miền Tây sông nước
Và để biết nét văn hóa ấy như thế nào, dimienntay.net xin mời bạn cùng “đi tìm dấu ấn văn hóa sông nước miền Tây tại chợ nổi Cái Răng”.
Chợ nổi Cái Răng ở đâu? Có từ khi nào?
Nằm trên trục đường sông chiến lược của quận Cái Răng thành phố Cần Thơ tại địa phận xã Mỹ Phong. Chợ nổi Cái Răng là chợ nổi nổi tiếng bậc nhất tại miền Tây về độ sầm uất trong giao thương, mua bán, trao đổi hàng hóa và giao lưu văn hóa của các vùng. Đặc biệt, đây là chợ nổi được xem như hình ảnh đại diện cho nét văn hóa sông nước cùng con người miền Tây đến anh em và bạn bè quốc tế.
Cũng như bao chợ nổi khác như chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long), chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang) hay chợ nổi Long Xuyên (An Giang). Đến nay, chưa một tài liệu nào có thể xác định được chợ nổi Cái Răng được hình thành vào thời gian nào. Chỉ biết rằng, chợ ra đời là do nhu cầu thiết yếu của con người khi cuộc sống hàng ngày đều gắn liền với địa hình sông nước. Do vậy mà trong bức tranh tổng thể văn hóa miền Tây, dấu ấn về nét văn hóa chợ nổi rất đậm và rất nổi bật.
Đi tìm lời giải về tên gọi chợ nổi Cái Răng
Chưa biết văn hóa sông nước trên chợ nổi Cái Răng thú vị như thế nào, nhưng với tên gọi vừa hay vừa lạ đã là một niềm thích thú cho nhiều người. Từ đó, chợ nổi đã vô tình tạo cho người ta cái tò mò rằng vì sao chợ lại có tên là Cái Răng, Cái Răng nghĩa là gì và ai là người đã đặt tên đó cho chợ nổi.
Một góc hình ảnh mua bán trên chợ nổi Cái Răng (Ảnh: Trippy.vn)
Để giải giải thích và trả lời cho câu hỏi này, thì người dân tại Cần Thơ kể theo một truyền thuyết như sau. Theo đó, tên gọi Cái Răng xuất phát từ câu chuyện hồi đầu thời khẩn hoang, lập ấp. Truyền thuyết nói về con cá sấu với thân hình rất lớn dạt vào đây, răng của nó cắm vào miệng đất này. Từ đó mà khi chợ nổi hình thành lên, người ta đã dùng tên Cái Răng để đặt cho chợ nổi.
Tuy nhiên, trong cuốn “Tự vị” tiếng nói miền Nam của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển thì nói khác. Cái Răng có nguồn gốc từ chữ Khmer là “karan” nghĩa là “cà ràng” (ông táo). Người Khmer ở Xà Tón (Tri Tôn) làm rất nhiều karan đi bán khắp nơi để phục vụ trong việc chế biến món ăn, đặc biệt là họ bán rất nhiều tại khu vực sông nước Cần Thơ này. Do từ khó đọc mà lâu dần, người Việt đã phát âm của chữ “karan” thành chữ “cà ràng” rồi Cái Răng. Sự phát âm này là do thói quen dùng từ theo ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày.
“Đôi nét về hình thù cái Cà ràng: Nhìn tổng quan về cái cà ràng thì nó có hình thù như con số 8 để nằm, một đầu là ba ông Táo lú đầu lên cao để đội nồi ơ siêu trách, còn một đầu kia nắn cái bụng chang bang dài dài vừa vặn với cây củi chụm. Bụng này chứa được tro nhiều không rơi rớt ra ngoài, lại ấm cúng che kín gió, mau chín mau sôi.”
Hình dạng cái Cà Ràng ở miền Tây Nam Bộ
Bên cạnh lời giải thích của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sềnh, trong sách của người Pháp Le Cisbassac và nhiều sách khác từ lâu vẫn ghi: “Krôk kran: rạch Cái Răng, nay cứ lấy điểm này làm chắc, một đàng khác hỏi thăm người cố cựu bản xứ thuật rằng ngày xưa, không biết từ đời nào, nguyên người Thổ (Cơ Me) ở Xà Tón (Tri Tôn) chuyên làm nồi đất và “karan” chất đầy mui ghe lớn rồi thả theo sông cái đến đậu ghe nơi chỗ này để bán, năm này qua năm nọ, chầy ngày người mình phát âm “karan” biến ra “Cái Răng” rồi trở nên địa danh thiệt thọ của chỗ này luôn.
Từ những giải thích trên, ta có thể chứng minh rằng; tên gọi Cái Răng là có nguồn gốc từ chữ của người Khmer là “karan”. Do người Việt cảm thấy khó đọc nên đã đọc từ karan theo ngôn ngữ của mình và lâu dần biến có thành chữ của người là Cái Răng.
Chợ nổi Cái Răng – bức tranh văn hóa muôn vẻ, muôn màu
“Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng
Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn
Em treo bẹo Cái Răng, Ba Láng
Ta thương hồ Vàm Xáng, Cần Thơ.”
Không giống như bao ngôi chợ khác trên đất liền, hầu hết các chợ nổi ở miền Tây đều bắt đầu tụ tập khi trời mờ sáng. Chợ nổi Cái Răng cũng vậy, chỉ tầm khoảng 3h sáng là đã hiện ra một không cảnh nhộn nhịp trong màn sương đêm. Một màn sương như một bức tranh sống động của những chiếc tàu, chiếc xuồng chở đầy ấp những mặt hàng trái cây, nông sản đổ về đây để tề tựu với nhau.
Chợ nổi Cái Răng (Ảnh: infeofpamtaitai)
Thật khó có thể hình dung hết được, khi một nơi sông chảy xuôi dòng mà những phương tiện của tàu thuyền, xuồng và các bè nổi lại diễn ra một cảnh mua bán, trao đổi hết sức náo nhiệt. Sự náo nhiệt này có thể làm cho người ta choáng ngợp khi đến với chợ nổi lần đầu.
Không chỉ vậy, cái hay, cái thú vị ở đây là khi hướng mắt đến bất kỳ nơi nào cũng đều bắt gặp hình ảnh của những hàng quán ăn uống di động. Một sự di động tinh tế, kỳ lạ mà chắc hẳn chỉ ở chợ nổi mới có. Đây chính là lí do vì sao mà chợ nổi Cái Răng tại Cần Thơ nói riêng và miền Tây nói chung không trùng lần với bất kỳ ngôi chợ nào trên đất liền.
Mua bán trên sông Cái Răng (Ảnh: Trippy.vn)
Ngoài những điều trên, chợ nổi Cái Răng còn có một điều vô cùng thú vị mà ai cũng tò mò, đó chính là sự hiện diện của những cây bẹo.
Thật mà nói, nếu như ai mới đến chợ nổi lần đầu thì không biết ý nghĩa của các cây bẹo này là gì. Còn khi đã biết thì chắc sẽ thấy thích thú vì phần nào đã hiểu về nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước. Từ đó người ta mới biết muốn mua hay ăn cái gì thì đầu tiên phải ngó lên cây bẹo của chiếc xuồng hay chiếc tàu đó.
Khách nước ngoài trải nghiệm cuộc sống trên chợ nổi Cái Răng (Ảnh: Trippy.vn)
Tuy nhiên, nói là nói như vậy, nhưng nhiều người vẫn lầm vì có những chiếc xuồng, chiếc tàu treo nhưng không bán hay treo cái này mà bán cái kia. Tại sao lại như vậy?
Để trả lời cho câu hỏi này, thì có thể giải thích: “Trên sông nước, thuyền bè lúc nào cũng bị bấp bên theo dòng chảy của con sông. Cho nên, những vật treo lên cây bẹo như: bưởi, xoài, chôm chôm, nhãn… là những mặt hàng được treo để rao bán. Còn như những đồ ăn thức uống như: cơm, hủ tiếu, bún… thì không treo được, vì nếu treo lên thì nó sẽ đổ. Đó là lí do tại sao nói treo cái này mà bán cái kia. Còn có những thứ treo lên mà người ta không bán, đó chính là quần áo. Điều này dễ hiểu hơn, vì quần áo được treo lên sau khi giặc giũ.”
Một chiếc thuyền chuyên mặt hàng nông sản bí tại chợ nổi Cái Răng (Ảnh: Trippy.vn)
Chưa dừng lại, một điểm đặc biệt là trên nhiều chiếc tàu, chiếc ghe, chiếc xuồng có những cây bẹo toàn treo lá dừa thì đố ai biết là bán cái gì. Đó chính là bán ghe, tàu, hay thuyền. Tại sao lại như thế?
Bởi vì, theo văn hóa truyền thống của người miền Tây thì thế này. Lá dừa là một vật liệu lớp mái làm nhà, mà nhà là nơi an cư của con người. Chính vì vậy, khi treo lá dừa lên cây bẹo, đồng nghĩa là rao bán tổ ấm của mình đang sinh sống. Đây chính là lí do vì sao nói: “Chợ nổi Cái Răng là bức tranh văn hóa muôn vẻ muôn màu”.
Chợ nổi Cái Răng – nơi lưu giữ tinh hóa văn hóa và phát triển du lịch
Ngày nay, chợ nổi Cái Răng không chỉ là nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa vùng miền mà đã trở thành điểm đến hấp dẫn trong du lịch. Chính bởi điều này mà dù như thế nào người Cần Thơ nói riêng và người miền Tây nói chung luôn giữ nguyên những nét phong tục, tập quán sinh hoạt của mình. Có như vậy thì mới hiểu tại sao chợ nổi Cái Răng là nơi tìm về của nhiều du khách thập phương khi đến Cần Thơ.
Khoảng trời riêng trên chợ nổi Cái Răng (Ảnh: Trippy.vn)
Bên cạnh đó, cái mà làm cho thành phố Cần Thơ ngày càng được nhiều người biết đến chính là sự phát triển mạnh mẽ của một thành phố trẻ, hiện đại nhưng không thiếu sự phong phú, đa dạ của nhiều nền văn hóa. Một nền văn hóa du nhập, giao hòa của các đồng bào dân tộc Kinh, Hoa, Khmer và Chăm vô cùng đặc sắc và thú vị.
Cảnh sinh hoạt trên chợ nổi Cái Răng (Ảnh: mr.boo.hue)
Bằng những điều này, khi đến du lịch tại chợ nổi Cái Răng ta mới thấy được. Dù xu hướng hiện đại hóa đang tác động rất mạnh lên chợ nổi nhưng chợ nổi nhưng chợ nổi vẫn được giữ nguyên bản chất theo nền tảng ban đầu. Đó chính là lí do tại sao mà nếp sống con người miền sông nước không bao giờ thay đổi.
Đi chợ nổi Cái Răng vào mùa nào, lúc nào là đẹp nhất?
Để trải nghiệm không khí nhộn nhịp và tham quan cảnh đẹp tại chợ nổi Cái Răng, bạn có thể đi bất kỳ mùa nào trong năm theo thời gian rỗi của mình. Tuy nhiên, khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7 là khoảng thời gian lý tưởng nhất. Ngoài ra, nếu bạn muốn khám phá một mùa đặc sản có một không hai tại miền Tây thì bạn nên đến đây vào khoảng thời gian giữa tháng 8 đến cuối tháng 11.
Khoảng thời gian này chính là lúc miền Tây đón mùa lũ hay còn gọi là mùa nước nổi về. Một mùa đặc biệt mà chỉ ở miền Tây mới có. Và đó là đi theo mùa, còn đi chợ nổi là đi vào lúc trời mờ sáng từ 4h30 đến 6h00. Cái trời mà gà chưa kịp gáy, người con mê ngủ nhưng chợ nổi thì đã ầm ì với nhiều tiếng âm thanh nói cười rơm rã.
Thông tin trích dẫn:
Trung Tâm Lữ Hành Du Lịch Quốc Tế Trippy Địa chỉ: 22 Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Tp.Hồ Chí Minh. ĐT: (028) 3838 6928 – Fax: (028) 3920.5377
Website Tiếng Việt: https://trippy.vn / https://tourdulichmientay.vn
Website Tiếng Anh: https://www.tnktravel.com
Bình luận
Bạn cần phải Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản mới để được bình luận.