Phong Điền phát triển nhanh du lịch sinh thái
Được mệnh danh là vành đai xanh của TP Cần Thơ, Phong Điền được bao phủ bởi 8.500ha vườn cây ăn trái, đủ các chủng loại trái ngon Nam bộ. Điều kiện tự nhiên này giúp Phong Điền phát triển nhanh loại hình du lịch sinh thái.
Giữ nét miệt vườn
Chỉ mới đi vào hoạt động khoảng vài tháng, Khu du lịch sinh thái Lung Tràm (quốc lộ 61C, ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa) trở thành điểm đến được yêu thích. Với diện tích hơn 31.000m2, khu du lịch có mức độ phủ xanh đến 90%, giữ đúng nét miệt vườn sông nước Nam bộ với vườn cây, bờ ao. Đặc biệt, nơi đây có lung tràm với hàng trăm cây tạo sự cân bằng nhiệt độ trong những ngày nắng nóng. Hệ thống ao dài hơn 1.000m, thích hợp để du khách bơi ghe thư giãn, trải nghiệm sinh hoạt văn hóa đặc thù của vùng sông nước. Ông Đặng Ngọc Nhẫn, Chủ Khu du lịch sinh thái Lung Tràm, nói: “Chúng tôi thiết kế khu du lịch theo vườn cây, ao cá sẵn có, làm sao vẫn giữ được nét chân quê miệt vườn để khách miền xa cảm nhận rõ nét sinh hoạt của vùng sông nước Tây Nam bộ. Hiện Lung Tràm có nhiều mô hình như thế và nhận được phản hồi tích cực từ du khách về cách làm du lịch chân chất”. Lung Tràm hiện có 4.000 gốc cây các loại: cam sành, dừa, quýt, nhãn, chôm chôm… và chủ vườn vẫn đang trồng thêm các loại cây ăn trái, cải tạo hệ thống ao mương, bố trí thêm cảnh sắc, đưa thêm nhiều nét sinh hoạt, khơi gợi ký ức, phong tục tập quán miền quê.
Cảnh quê dân dã ở Khu du lịch sinh thái Lung Tràm. Ảnh: ÁI LAM
Cách Khu du lịch sinh thái Lung Tràm vài cây số, vườn trái cây Bà Hiệp (ấp Nhơn Hưng, xã Nhơn Nghĩa) đang là điểm đến được ưa chuộng của nhiều du khách gần xa, bởi sự mộc mạc, chân quê. Len theo những con rạch, đạp xe trên đường quê, vườn trái cây Bà Hiệp chào đón du khách bằng những vườn cây xanh um, mát mẻ, trĩu quả và giúp du khách có những trải nghiệm khó quên khi được làm nông dân chính hiệu. Với diện tích gần 20 công đất, trồng gần chục loại cây ăn trái, khi đến vườn du khách sẽ được tự do thỏa thích hái trái, thưởng thức tại chỗ. Vườn ở đây vẫn giữ nguyên sơ với những đường đất, ao mương xẻ dọc ngang, du khách có thể bơi ghe hái trái hoặc tát mương bắt cá. Tại đây, du khách không chỉ được trải nghiệm làm bánh dân gian mà còn thử sức ở các trò chơi dân gian, vận động... Anh Trần Chí, chủ vườn trái cây Bà Hiệp, cho biết: “Chúng tôi muốn giữ đúng chất miệt vườn Nam bộ để du khách khi đến đây họ có thể cảm nhận được nét mộc mạc, dân dã miền quê, cảm giác như được trở về nhà”.
Khu du lịch sinh thái Lung Tràm và vườn trái cây Bà Hiệp là hai trong số những điểm du lịch mới của Phong Điền, đang thu hút nhiều du khách bởi những cách làm khác biệt, giữ đúng chất hồn quê miệt vườn Nam bộ.
Phát triển đúng định hướng
Phong Điền hiện có 59 điểm du lịch, trong đó có khoảng 32 điểm vườn du lịch sinh thái. So với năm 2017, địa phương đã có thêm 13 điểm du lịch mới, trong đó có điểm du lịch sinh thái mới. Tốc độ phát triển này so với các năm trước tăng từ 2-3 lần, các điểm mới chú trọng đầu tư dịch vụ và chất lượng sản phẩm. Ông Võ Thành Giúp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Du lịch huyện Phong Điền, nhấn mạnh: “Từ khi có Nghị quyết 03 về phát triển du lịch, Nghị quyết 07 về phát triển huyện Phong Điền thành đô thị sinh thái của Thành ủy; thì Huyện ủy - UBND huyện Phong Điền cũng ban hành nhiều Nghị quyết, kế hoạch phát triển du lịch địa phương bền vững, gắn với phát triển đô thị sinh thái. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân làm du lịch với nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp. Người dân cũng tự tin hơn trong việc chuyển hướng sử dụng mảnh vườn, ao cá để làm du lịch. So với trước kia, người dân làm du lịch đã có sự chủ động, biết cách chăm chút cho sản phẩm, dịch vụ”.
Thực tế, trước đây khi đến các điểm vườn Phong Điền, du khách chỉ dạo quanh vườn, hái trái, thưởng thức ẩm thực rồi về. Hiện nay, các điểm vườn sinh thái tạo cho du khách nhiều trải nghiệm như làm nông dân, học làm bánh dân gian Nam bộ, hoặc trở về tuổi thơ với các trò chơi vận động, vẫy vùng trong ao. Cô Lâm Thị Khuya, Chủ vườn trái cây 9 Hồng, nói: “Tôi luôn muốn tạo những dịch vụ để du khách cảm nhận được nét văn hóa miền Tây. Vườn cây thì giữ nguyên sơ, riêng với ẩm thực thì khôi phục những món quà bánh xưa, nhất là cách làm thủ công, làm sao để du khách cảm nhận đến điểm này giống như trở về nhà mình”. Đồng quan điểm, anh Nguyễn Tấn Quang, chủ vườn Du lịch sinh thái Giáo Dương, chia sẻ thêm: “Gia đình tôi làm du lịch cũng lâu năm, nhưng không ngừng học hỏi kinh nghiệm của các nhà vườn khác, từng bước có những thay đổi về các sản phẩm, dịch vụ. Tôi cũng đang cố gắng xây dựng nhiều mô hình mới để khách đến trải nghiệm, làm ra sản phẩm”.
Tiềm năng du lịch xanh, cộng đồng vẫn là thế mạnh trong phát triển du lịch của Phong Điền, nhất là khi địa phương có nhiều Nghị quyết, kế hoạch phát triển du lịch. Trong đó, Phong Điền là huyện duy nhất hiện nay của TP Cần Thơ có thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch, nhằm tăng cường quản lý các điểm du lịch, hỗ trợ các nhà vườn, cơ sở nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Ông Võ Thành Giúp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Du lịch huyện Phong Điền, cho biết: “Huyện đang tạo điều kiện để kêu gọi các nhà đầu tư thuộc các tập đoàn FLC, Á Châu… đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch tại địa phương. Hiện Phong Điền cũng có quy hoạch dự án khu du lịch sinh thái hơn 40ha, cũng như có nhiều dự án về du lịch đang được đầu tư ở các xã Nhơn Nghĩa, Mỹ Khánh…”.
Du lịch Phong Điền đang phát triển đúng định hướng khi phát huy tiềm năng về trái cây, nông sản, văn hóa bản địa, từng bước tạo ra những sản phẩm riêng, đúng chất sinh thái của vùng văn minh sông nước miệt vườn.
Du lịch Phong Điền trong 10 tháng đầu năm đón khoảng 1,2 triệu lượt khách, tăng 11,9%. Lượng khách đến các điểm vườn sinh thái chiếm từ 70-80% trong tổng lượng khách. Khách lưu trú nội địa có khoảng 43.700 lượt khách, khách lưu trú quốc tế khoảng 16.400 lượt khách, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 266 tỉ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Dự kiến năm 2018, du lịch Phong Điền sẽ đón khoảng 1,4 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 1,2 triệu khách nội địa. Doanh thu du lịch ước đạt khoảng 304 tỉ đồng.
ÁI LAM