Xu hướng du lịch theo hướng bền vững
Du lịch bền vững (Sustainable Tourism) vẫn là một trong những xu hướng được du khách yêu thích trong nhiều năm gần đây. Các tiêu chí về du lịch bền vững cũng ngày càng được các doanh nghiệp chú trọng. Tại Cần Thơ, nhiều đơn vị xây dựng và triển khai có hiệu quả các mô hình phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ Mekong Silt Ecolodge, trong một buổi chia sẻ về du lịch xanh.
Chung tay vì môi trường du lịch
Cuối tháng 12-2023, “Nhà đong đầy” được triển khai tại Mekong Silt Ecolodge (huyện Phong Ðiền). Ðây là một trong những hoạt động của Mekong Silt Ecolodge nhằm gắn kết, chia sẻ trách nhiệm bảo vệ môi trường cùng người dân địa phương khi làm du lịch. Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ Mekong Silt Ecolodge, cho biết: “Rác thải là một trong những vấn đề cần được quan tâm trong các hoạt động du lịch bởi vì tạo ra nhiều tác động lớn, như góc nhìn của du khách về hình ảnh du lịch Cần Thơ. Do đó, chúng tôi có nguyện vọng góp phần thay đổi nhận thức của nhiều người về vấn đề này. “Nhà đong đầy” là nơi gắn kết, trao đổi và lan tỏa điều đó”. Với cơ chế hoạt động “tình làng nghĩa xóm”, trao đổi sản phẩm nhà làm với nhau như cách ông bà xưa hay làm, “Nhà đong đầy” là nơi người dân đem rác đã phân loại đến để đổi miễn phí xà bông, nước rửa chén, nước lau sàn… Xà bông, nước rửa chén, nước lau sàn đều là những thành phẩm từ rác đã qua xử lý.
Việc biến rác thành vật dụng thường ngày, phân bón cho cây hay các sản phẩm hữu ích đã được Mekong Silt Ecolodge thực nghiệm và triển khai gần một năm nay. Chị Nguyễn Thị Hồng Ðoan, nhân viên tại Mekong Silt Ecolodge, chia sẻ: “Trong các hoạt động chắc chắn sẽ thải ra lượng rác lớn và chúng tôi đã chọn tái chế rác, tùy theo tính chất của các loại rác mà chúng tôi lựa chọn cách xử lý, làm ra những sản phẩm phù hợp. Hiện nay, tại đây chúng tôi có thể xử lý 100% rác hữu cơ, tạo ra hương liệu khử mùi, xà bông, nước rửa chén, nước lau sàn… Những sản phẩm này đều được sử dụng ở khu nghỉ dưỡng và du khách rất thích”. Nhiều khách quốc tế lưu trú tại Mekong Silt Ecolodge cũng bày tỏ sự yêu thích với cách làm này, không ít du khách chung tay tham gia các workshop thực hành phân loại rác, đi vớt rác khi lưu trú tại đây.
Nhiều doanh nghiệp du lịch tại Cần Thơ cũng bắt tay hành động vì môi trường, điển hình như chương trình GoGreen của Vietravel. Bà Lê Ðình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, cho biết: “Qua hơn 28 năm hoạt động và phát triển, chúng tôi tự hào là một trong những đơn vị tiên phong hướng đến du lịch bền vững. Chúng tôi có dự án GoGreen triển khai nhiều năm qua với mục tiêu gắn kết các hoạt động du lịch với bảo vệ môi trường. Theo đó, có nhiều hoạt động như tham gia vớt rác, vệ sinh đường phố hay hỗ trợ cộng đồng du lịch cồn Sơn các túi thân thiện môi trường. Năm 2024, Vietravel cũng tái khởi động GoGreen với nhiều hoạt động. Các văn phòng, nhân viên sẽ cùng trang trí góc làm việc xanh, đồng thời triển khai đồng loạt hoạt động thu gom giấy, pin đã qua sử dụng để đổi phần quà bảo vệ môi trường. Ðây là một trong những bước đầu để truyền thông về du lịch kết hợp bảo vệ môi trường hướng đến du lịch bền vững”.
Theo đó, trong tháng 3-2024, người dân có thể mang giấy, pin đã qua sử dụng đến Vietravel Cần Thơ trong các ngày trong tuần (từ 8-17h) để đổi lấy cây xanh hay các ấn phẩm quà tặng thân thiện môi trường. Chị Bùi Ánh Ngọc (quận Ninh Kiều), nói: “Tôi biết đến chương trình này qua mạng xã hội và bạn bè. Ðây là chương trình rất ý nghĩa bởi pin đã qua sử dụng có nhiều chất độc hại nếu không xử lý đúng cách mà xả ra môi trường. Có điểm thu gom thế này rất tốt, đổi lại chúng tôi còn có thể mang về những món quà là cây xanh”. Ðồng quan điểm, anh Bùi Chí Thanh, cho biết: “Bình thường tôi có thói quen sẽ gom pin đã qua sử dụng để một chỗ, tìm cơ hội phù hợp để xử lý đúng cách. Khi Vietravel phát động chương trình này, tôi rất ủng hộ”.
Lan tỏa du lịch bền vững
Báo cáo Du lịch Bền vững 2023 của Booking.com cho thấy, trên toàn cầu, khoảng 80% người tham gia khảo sát khẳng định “Du lịch theo hướng bền vững ngày càng quan trọng với họ”. Riêng du khách Việt, có 97% số người tham gia khảo sát cho biết họ muốn đi du lịch bền vững hơn trong 12 tháng tới. Bất chấp những khó khăn do kinh tế, có tới 75% du khách Việt Nam cho biết họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các lựa chọn du lịch bền vững đã được cấp chứng nhận, như một cách để bảo đảm chắc chắn họ đang góp phần tạo ra ảnh hưởng tích cực. 83% du khách Việt bày tỏ mong muốn có thể giúp những địa điểm nơi họ đến du lịch trở nên xanh, sạch hơn sau khi rời đi. Thực tế, phát triển du lịch bền vững không chỉ là xu thế mà còn là định hướng của du lịch Việt Nam. Trong Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23-2-2024, có xác định nội dung trọng tâm chính là phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững. Hiện ngành Du lịch cũng đang xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình hành động du lịch xanh quốc gia, trong đó tập trung vào một số hoạt động: diễn đàn thường niên du lịch xanh quốc gia, phát triển sản phẩm du lịch xanh gắn với hình thành cộng đồng doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm xã hội; thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi, đánh giá và cấp chứng chỉ du lịch bền vững theo tiêu chuẩn của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (Global Sustainable Tourism Council - GSTC) cho các cơ sở du lịch, khách sạn; nghiên cứu xây dựng hệ thống chứng nhận du lịch xanh đạt chuẩn quốc tế về sản phẩm và thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam.
Tại Cần Thơ, từ năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố và Chương trình bền vững Thụy Sĩ (SSTP, nay là ST4SD) đã ký kết biên bản thỏa thuận về Chương trình du lịch bền vững Thụy Sĩ, trong đó có hai nội dung: xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch xanh tại phường Tân Lộc (Thốt Nốt) và xây dựng Bộ tiêu chí về du lịch bền vững cho TP Cần Thơ. Riêng các doanh nghiệp, cơ sở du lịch cũng đang tích cực xây dựng và lan tỏa các chương trình về du lịch xanh, bền vững.
Với mô hình kinh tế tuần hoàn từ rác, Mekong Silt Ecolodge đang trở thành điểm đến kết nối và lan tỏa hiệu quả. Ðầu tháng 3-2024, tại Mekong Silt Ecolodge đã có buổi workshop “Ðồng hành cùng phụ nữ ÐBSCL phát triển sinh kế xanh” để các chuyên gia gặp gỡ và chia sẻ những chủ đề về phát triển du lịch xanh từ văn hóa bản địa, sinh kế xanh. Những buổi workshop, tập huấn như thế vẫn thường diễn ra ở Mekong Silt Ecolodge. Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ Mekong Silt Ecolodge, cho biết: “Muốn tạo môi trường bền vững thì phải có sự gắn kết với cộng đồng địa phương. Chúng tôi tổ chức những buổi workshop, các khóa tập huấn, kết nối các chuyên gia về du lịch cộng đồng, môi trường, tài nguyên cùng người dân. Mục đích là thay đổi nhận thức, làm du lịch một cách bền vững hơn. Riêng đối với Mekong Silt Ecolodge chúng tôi không chỉ có những buổi workshop về rác tái chế mà còn có những tour vớt rác ở các con rạch”. Theo đó, các sinh viên Trường Ðại học Cần Thơ cũng đến hưởng ứng vớt rác cùng Mekong Silt Ecolodge hằng tháng.
Trong khi đó, bà Lê Ðình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Cần Thơ triển khai dự án tài trợ một số thùng rác thân thiện tại một số công viên, điểm du lịch. Mục đích của dự án là hướng người dân, du khách đến việc phân loại rác. Chúng tôi kỳ vọng thông qua những hành động nhỏ sẽ dần cùng người dân, du khách ngày càng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng hình ảnh thành phố xanh, sạch, đẹp”.
Thực tế, du khách đang dần có sự chuyển dịch lớn trong lựa chọn điểm đến dựa trên các tiêu chí xanh và bền vững. Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường không chỉ là xu hướng mà còn là trách nhiệm để gìn giữ những tài nguyên văn hóa bản địa. Khai thác đi kèm với bảo vệ mới tạo ra được giá trị bền vững lâu dài, cũng như góp phần định vị hình ảnh, thương hiệu du lịch địa phương.
Bài, ảnh: ÁI LAM
Nguồn: baocantho.com.vn
Bình luận
Bạn cần phải Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản mới để được bình luận.