Kỳ vọng mùa hoa kiểng Tết thắng lợi
Không ngại khó khăn
Cùng với TP Sa Ðéc, tỉnh Ðồng Tháp, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cũng là địa phương sản xuất hoa kiểng lớn nhất ÐBSCL, với hàng triệu sản phẩm hoa kiểng/năm. Bên cạnh các loại kiểng hình (kiểng uốn hình thú, hình đồ vật…) hay kiểng bonsai, kiểng cổ thụ, kiểng lá, kiểng trái, hiện các nhà vườn trồng hoa kiểng tại Chợ Lách đang tất bật để kịp bán Tết.
Nông dân ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre chăm sóc cúc mâm xôi.
Ông Ngô Thành Tài ngụ ấp Hòa An, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, cho biết: "Dù có những lo ngại về việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có thể gặp khó do dịch COVID-19 và nguy cơ hạn mặn xảy ra sớm nhưng gia đình tôi vẫn quyết định duy trì sản xuất 2.500 chậu cúc mâm xôi như Tết năm trước. Nhờ chăm sóc tốt kỹ vườn cúc của tôi đang phát triển khá tốt, hứa hẹn nở hoa đúng dịp Tết. Nhiều thương lái đến xem và hứa hẹn mức giá thu mua tương đương năm rồi, với khoảng 160.000-170.000 đồng/cặp, nhưng phải chờ cận Tết, hoa nở đều mới lấy hàng". Theo anh Nguyễn Duy Phương ở ấp Tây Lộc, xã Vĩnh Thành, gần đây thời tiết mưa nắng rất thất thường, gia đình luôn theo dõi sát tình hình để chăm sóc tốt các chậu hoa Tết. Nhà anh có khoảng 7.000 chậu hoa các loại, trong đó phần lớn là các loại hoa trồng trong chậu treo như: dạ yên thảo, hoa dừa cạn, sao băng, hoa cúc… Hiện chi phí sản xuất nhiều loại hoa đã tăng khoảng 15-20% so với năm trước nhưng giá bán chưa tăng. Hy vọng, cận Tết giá cả cải thiện hơn.
Tại TP Cần Thơ, hoa kiểng trồng tại hầu khắp các quận, huyện. Song, tập trung nhiều là tại Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ thuộc các phường Long Tuyền và Long Hòa, quận Bình Thủy và Làng hoa Tân Long A thuộc xã Tân Thới, huyện Phong Ðiền. Bên cạnh đó, hoa còn được trồng nhiều tại các phường Thốt Nốt, Trung Kiên và Thuận Hưng thuộc quận Thốt Nốt, phường Thới An Ðông (quận Bình Thủy), phường An Bình (quận Ninh Kiều)... Vào thời điểm này, các nhà vườn tập trung nguồn lực, đầu tư chăm sóc để có thể tạo ra những chậu hoa thật đẹp cho thị trường Tết.
Ông Nguyễn Văn Việt ở khu vực Bình An, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, cho biết: "Sản xuất hoa kiểng gặp nhiều khó khăn hơn mọi năm do thời tiết diễn biến bất thường và giá nhiều loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất cũng tăng. Nhưng điều nông dân lo nhất là dịch COVID-19 tái phát sẽ gặp khó về đầu ra. Do vậy, tôi và nhiều hộ dân trồng hoa kiểng tại địa phương chỉ sản xuất lượng hoa tương đương năm rồi chứ không dám tăng sản lượng thêm. Tôi đã xuống giống được hơn 3.000 chậu hoa các loại gồm hồng nhung, vạn thọ, cát tường… đang tích cực chăm sóc để hoa nở đúng dịp Tết". Anh Ðoàn Hữu Minh Quang, sản xuất hoa kiểng tại Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ, cho biết: "Do lo ngại đầu ra sản phẩm có thể gặp khó do dịch COVID-19, nên Tết này tôi chỉ sản xuất khoảng 3.500 chậu hoa các loại, giảm gần 2/3 số chậu hoa so với cùng kỳ năm trước. Và sản xuất theo kiểu lấy "công nhà làm lời", hạn chế thuê mướn nhân công để tiết kiệm tối đa chi phí. Hiện gia đình tôi tập trung toàn lực để chăm sóc tốt cho hoa vì muốn có đầu ra sản phẩm tốt, trước hết cần có những chậu hoa đẹp, nở đúng Tết".
Mong đầu ra thuận lợi
Ðể chuẩn bị phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán 2021, Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ có kế hoạch sản xuất khoảng 320.000 chậu các loại. Nhìn trên bình diện chung, năm nay số hộ dân tham gia sản xuất hoa kiểng và số lượng, chủng loại hoa ở đây có giảm so với các năm trước. Nguyên nhân không chỉ bởi dịch COVID-19 mà còn do quá trình đô thị hóa, không còn đất để sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ dân buộc phải chuyển đổi nghề nghiệp. Hiện làng nghề có khoảng 190 hộ dân tham gia trồng hoa, kiểng thời vụ Tết, trong khi trước đây có trên 230 hộ dân.
Ông Ðoàn Hữu Bốn, Giám đốc Hợp tác xã hoa kiểng Bình An, phường Long Hòa, kiêm Phó Chủ nhiệm Làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ, cho biết: "Thời tiết rất thất thường, đặc biệt mưa muộn và mưa trái mùa đã gây thiệt hại rất nhiều cho bà con trồng hoa kiểng, khiến một lượng lớn các chậu hoa cúc bị hư hại, nhất là cúc mâm xôi và cúc Ðài Loan. Song, nhờ bà con tích cực trồng bổ sung loại hoa ngắn ngày là vạn thọ vào các chậu cúc bị hư nên số lượng hoa sản xuất tại làng nghề vẫn có thể đạt kế hoạch ở mức khoảng 320.000 chậu các loại. Ðể tạo thuận lợi đầu ra sản phẩm, nhà vườn trồng hoa kiểng rất mong ngành chức năng tăng cường hỗ trợ nông dân trong quảng bá, kết nối cung - cầu, cũng như tạo điều kiện để các chợ hoa Tết mở cửa hoạt động sớm". Theo ông Bốn, do dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp nên thời điểm này phần lớn thương lái đến làng hoa chủ yếu để thăm dò giá cả và nắm tình hình sản xuất chứ chưa dám đặt tiền cọc vì chưa biết chợ hoa Tết năm nay hoạt động thế nào và sức mua ra sao.
Vào thời điểm này, nhiều mối lái cũng đã tìm đến các làng nghề trồng hoa kiểng ở huyện Chợ Lách để tìm hiểu giá và đã bắt đầu có mua một số loại hoa kiểng. Theo các nhà vườn trồng hoa kiểng ở Chợ Lách, hiện nay sức mua vẫn còn yếu và chủ yếu tập trung ở các loại hoa, kiểng có thể để chưng lâu ngày như: bông giấy, nguyệt quới, hoa dừa cạn, các loại kiểng lá, kiểng được tạo hình từ cây xanh, cây si, cây bông trang… Hiện hoa kiểng chủ yếu được các mối lái đem về bán tại các cửa hàng và điểm kinh doanh hoa kiểng cố định. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu tích cực để người trồng hoa kiểng tin tưởng vào một vụ hoa Tết thắng lợi. Hy vọng rằng, nước ta tiếp tục khống chế hiệu quả dịch COVID-19 để các chợ hoa Tết nhộn nhịp, tạo thuận lợi cho người dân tiêu thụ hoa kiểng và các sản phẩm nông sản, hàng hóa nói chung.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Nguồn:https://baocantho.com.vn/ky-vong-mua-hoa-kieng-tet-thang-loi-a129325.html
- Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia nguyên vẹn nhất của văn hoá Óc Eo ở Nam Bộ
- Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL xúc tiến, quảng bá du lịch tại Quảng Ninh
- Đồng bằng sông Cửu Long xúc tiến, quảng bá du lịch tại Quảng Ninh
- Liên hoan Cải lương toàn quốc – tỏa sáng những "kiếp tằm mãi vương tơ" (16/11/2024)
- Bế mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024
Bình luận
Bạn cần phải Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản mới để được bình luận.