Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Định liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

19/09/2022
1292

Zalo

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu phát biểu tại hội nghị

Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch liên vùng được tổ chức nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế và quảng bá hình ảnh thương hiệu điểm đến du lịch của các tỉnh Ninh Bình, Quảng Ninh, Bình Định và TP. Cần Thơ, đồng thời đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, thu hút khách du lịch đến các địa phương liên kết.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cho biết, thời gian qua, hoạt động du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đã có những chuyển biến tích cực và thu được kết quả đáng mừng, công tác phát triển du lịch có nhiều đổi mới và phát triển; các dịch vụ, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, từng bước đưa thương hiệu du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Cụ thể, 8 tháng đầu năm nay, 13 địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút được khoảng 30 triệu lượt khách, trong đó có hơn 8 triệu lượt khách lưu trú. Điều này đã giúp mang lại nguồn doanh thu từ du lịch cho các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long hơn 21.000 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Thực Hiện mong muốn hội nghị sẽ là cơ hội để các địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ du lịch giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về các khó khăn, chính sách thu hút, phát triển du lịch, thiết lập quan hệ hợp tác, đề xuất giải pháp đẩy mạnh kết nối, xúc tiến phát triển du lịch.

Theo ông Trần Song Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, cả 3 tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình và Bình Định là những địa phương có đặc điểm văn hoá, tự nhiên đặc sắc và hội tụ nhiều yếu tố để phát triển các sản phẩm du lịch như di sản, nghỉ dưỡng, biển đảo, thiên nhiên... Với vị trí hai tỉnh nằm ở phía Bắc Bộ và một tỉnh nằm ở Nam Trung Bộ có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế trong nước và quốc tế, do vậy hợp tác và hội nhập là chiến lược rất quan trọng đối với du lịch của ba tỉnh.

Cũng theo ông Trần Song Tùng, thị trường khách du lịch Đồng bằng sông Cửu Long hiện là một trong những thị trường tiềm năng và quan trọng đối với cả ba tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình và Bình Định, đặc biệt trong giai đoạn mà các tỉnh đang xây dựng chiến lược để thu hút khách du lịch nội địa. Cũng như vậy, Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống kênh rạch chằng chịt cùng hệ sinh thái đất ngập nước rất đa dạng phong phú tạo nên tiềm năng du lịch to lớn và đa dạng của vùng.

Zalo

Toàn cảnh hội nghị

Đánh giá cao ý nghĩa của hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh, sự liên kết giữa các địa phương là đúng hướng, đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ VHTTDL trong phục hồi và phát triển du lịch theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Phó Tổng cục trưởng cho rằng, để việc liên kết du lịch đạt hiệu quả, phải tăng cường công tác quảng bá về điểm đến, sản phẩm du lịch nổi trội của mỗi địa phương qua nhiều kênh truyền thông để tiếp cận được nhiều nguồn khách.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần chỉ đạo các sở, ban ngành tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp du lịch giữa các địa phương kết nối, trao đổi toàn diện, đặc biệt, phải có chính sách khuyến khích, chương trình ưu đãi mở rộng hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, các địa phương trong liên kết cần hình thành hệ sinh thái du lịch theo các chủ đề về sản phẩm du lịch để kết nối Quảng Ninh, Ninh Bình và Bình Định với TP. Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long từ sân bay, máy bay đến điểm đến, sản phẩm du lịch…, nhằm tạo nên chuỗi hoạt động du lịch hiệu quả.

Cuối cùng, việc hợp tác, liên kết liên vùng cần duy trì thường xuyên, nhất là hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và thực hiện các chương trình xúc tiến quảng bá chung ở trong và ngoài nước.

Zalo

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận Hợp tác xúc tiến điểm đến du lịch liên vùng giữa các Sở quản lý du lịch.

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: rd.zapps.vn

 

Bình luận

Bạn cần phải hoặc tài khoản mới để được bình luận.


Xin chào, xin mời bạn nhập câu hỏi tại đây!