Phát triển mạng lưới xe buýt chất lượng cao

20/02/2021
1605

Hình ảnh xe buýt chất lượng cao dần trở nên quen thuộc với người dân Cần Thơ.

Hiệu quả bước đầu

Triển khai Kế hoạch phát triển  VTHKCC bằng xe buýt giai đoạn 2019-2021, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã tham mưu UBND thành phố thành lập Trung tâm quản lý và điều hành VTHKCC trực thuộc Sở. Đồng thời, thực hiện đề án giải thể Ban Quản lý và Điều hành VTHKCC, đã làm thủ tục thanh lý và bàn giao 34 xe buýt cũ với số tiền là 1,683 tỉ đồng.

Phát triển mạng lưới tuyến xe buýt chất lượng cao trên địa bàn, năm 2020, thành phố đã đưa vào khai thác 5 tuyến xe buýt nội tỉnh, không trợ giá do Công ty CP Xe khách Phương Trang đầu tư. Bao gồm: tuyến số 01 Ba Láng - Ô Môn; tuyến số 02 Ô Môn - Kinh B; tuyến số 03 sân bay Cần Thơ - thị trấn Phong Điền; tuyến số 04 sân bay Cần Thơ - bến xe khách trung tâm - cảng Cái Cui và tuyến số 05 Ô Môn (phà Thới An - Phong Hòa) - Vĩnh Thạnh. Theo đó, Công ty CP Xe khách Phương Trang đã đưa vào hoạt động 36 xe buýt hiện đại đạt chuẩn khí thải Euro 4, xe đời mới của hãng Thaco sản xuất năm 2020. Xe có 25 chỗ ngồi, 15 chỗ đứng, cửa lên xuống tự động, có máy lạnh, wifi phục vụ miễn phí, có công cụ hỗ trợ và ghế ngồi cho người khuyết tật.

Theo đánh giá của Trung tâm quản lý và điều hành VTHKCC, các tuyến xe buýt mở mới nhận được sự quan tâm và ủng hộ của người dân. Trong đó, một số tuyến thu hút đông đảo hành khách. Chẳng hạn, tuyến Ba Láng - Ô Môn đưa vào khai thác đầu tiên từ ngày 20-9-2020, hoạt động 76 chuyến/ngày, doanh thu bình quân khoảng 1,26 triệu đồng/xe/ngày. Tuyến Ô Môn - Lộ Tẻ dù mới đưa vào hoạt động từ ngày 2-12-2020 nhưng cũng thu hút hành khách; với 56 chuyến/ngày, doanh thu bình quân khoảng 1,04 triệu đồng/xe/ngày...

Ông Tống Hoàng Kha, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, cho biết: Việc khai trương các tuyến xe buýt nội tỉnh và đưa các xe buýt mới vào hoạt động đã đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và mong đợi của người dân thành phố trong thời gian qua.

“Phải nói rằng, đi xe rất hữu ích, giúp người dân di chuyển tiện lợi và tiết kiệm hơn 50% chi phí so với các xe dịch vụ khác. Với giá vé rẻ nhưng hành khách được ngồi trong xe có máy lạnh mát mẻ, ghế ngồi sạch sẽ; cứ khoảng 15-30 phút là có 1 chuyến. Đó là chưa kể lộ trình xe buýt  đi ngang qua nhiều tuyến đường lớn của thành phố nên rất tiện lợi cho người có nhu cầu học tập và khám bệnh”, chú Nguyễn Văn Tâm, ở phường Phước Thới, quận Ô Môn chia sẻ.

 Đảm bảo kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển VTHKCC bằng xe buýt, thời gian qua, Sở GTVT thành phố đã cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và làm mới 503 điểm dừng phục vụ khai thác 3 tuyến xe buýt gồm: tuyến Ba Láng - Ô Môn; tuyến sân bay Cần Thơ - thị trấn Phong Điền và tuyến sân bay Cần Thơ - bến xe khách trung tâm. Tổng mức đầu tư hơn 1,7 tỉ đồng. Hiện đang triển khai thực hiện thủ tục cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và làm mới 540 điểm dừng phục vụ khai thác 2 tuyến xe buýt còn lại.

Tăng nội tỉnh, mở mới liên tỉnh

Theo Sở GTVT TP Cần Thơ, dự kiến trong năm 2021 sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư khai thác thêm 5 tuyến xe buýt nội tỉnh. Bao gồm: tuyến Thới Lai - Phong Điền - Ô Môn; tuyến chợ Giai Xuân - Cần Thơ; tuyến Cần Thơ - Giai Xuân - Phong Điền; tuyến Phong Điền - bến Ninh Kiều và tuyến vòng quanh thành phố. Cùng với đó là 6 tuyến xe buýt liên tỉnh, gồm: tuyến Cần Thơ - Vị Thanh; tuyến Cần Thơ - Vĩnh Long; tuyến Cần Thơ - Vũng Liêm; tuyến Cần Thơ - Bình Tân; tuyến Cần Thơ - Đại Ngãi và tuyến Cần Thơ - Sóc Trăng.

Ông Tống Hoàng Kha cho biết: Sở xây dựng và trình UBND thành phố phê duyệt Kế hoạch phát triển VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2023. Trên cơ sở đó, công bố tuyến xe buýt, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư khai thác các tuyến xe buýt và đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ VTHKCC trong thời gian tới. Bên cạnh đó, phối hợp với Viện Chiến lược Phát triển GTVT khảo sát lập Định mức - Đơn giá cho hoạt động xây dựng VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố; dự kiến trình UBND thành phố phê duyệt vào tháng 6-2021. Đây là cơ sở để giám sát việc tính giá vé của doanh nghiệp; hỗ trợ cho người sử dụng; kiểm tra, giám sát doanh thu và chi phí của các doanh nghiệp khai thác VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố. Đồng thời, Bộ Định mức - Đơn giá là cơ sở pháp lý cho công tác trợ giá cho hoạt động VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố trong giai đoạn tới.

Để thu hút hành khách sử dụng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt, hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, bảo vệ môi trường, trước mắt, Sở GTVT thành phố phối hợp với Công ty CP Xe khách Phương Trang tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tạo thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay thế phương tiện giao thông cá nhân, xây dựng văn hóa giao thông cho thành phố. Về lâu dài, Sở GTVT thành phố thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn theo hướng tiện nghi, an toàn, nhanh chóng với phí hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đồng thời, mở rộng luồng tuyến xe buýt để phương tiện xe buýt là lựa chọn thiết yếu của người dân trên địa bàn thành phố…

Về phía đơn vị khai thác, ông Văn Công Ðiểm, Công ty CP Xe khách Phương Trang, cho biết: Phát triển hệ thống xe buýt không chỉ mở rộng quy mô hoạt động của công ty, mà còn là trách nhiệm phục vụ cho cộng đồng, giúp người dân có thói quen sử dụng phương tiện công cộng. Do vậy, xe buýt chất lượng cao và thái độ phục vụ tận tình của nhân viên được đặt lên hàng đầu. Công ty xây dựng hệ thống quản trị tốt để xe buýt chạy đúng giờ, đúng tốc độ, đúng lộ trình cùng đội ngũ lái xe, tiếp viên có thái độ phục vụ nhã nhặn, lịch sự, tôn trọng khách hàng…

Bài, ảnh: T. TRINH

Nguồn:https://baocantho.com.vn/phat-trien-mang-luoi-xe-buyt-chat-luong-cao-a130468.html

Bình luận

Bạn cần phải hoặc tài khoản mới để được bình luận.


Xin chào, xin mời bạn nhập câu hỏi tại đây!