“Ánh sáng cuối đường hầm” cho ngành du lịch
.
Du lịch Tràng An
Giai đoạn khó khăn nhất đã qua...
2020 có thể nói là một năm đầy sóng gió của ngành du lịch giữa tâm bão Covid-19, nhìn lại một năm đã qua, ông muốn nói nhất về điều gì?
Ông Hà Văn Siêu: Thực tế thời gian gần đây, ngành du lịch trên toàn thế giới nói chung cũng như Việt Nam nói riêng đang phát triển rất mạnh. Du lịch đã và đang trở thành nhu cầu không thể thiếu của con người. Nó từng bước thấm sâu vào đời sống xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Giai đoạn 2015 - 2019, du lịch Việt Nam có dấu ấn tăng trưởng vượt bậc từ 7,9 triệu lượt khách quốc tế năm 2015 lên 18 triệu năm 2019, tăng trung bình 22,7%/năm. Tổ chức Du lịch thế giới vừa qua cũng xếp Việt Nam đứng thứ 6 trên 10 nước có tăng trưởng du lịch nhanh nhất toàn cầu.
Chính nhờ sự phát triển mạnh mẽ này, du lịch đã có đóng góp vô cùng quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Đây là ngành liên quan đến tất cả các lĩnh vực. Hoạt động du lịch phát triển sẽ lan toả, kéo theo sự tăng trưởng của nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Năm 2019, du lịch đóng góp 9,2% vào GDP, tạo nhiều việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo đời sống an sinh xã hội. Du lịch đang từng bước khẳng định là một trong những ngành mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.
Nhưng, năm 2020 đại dịch Covid-19 ập đến đã tác động ngay lập tức và vô cùng nghiêm trọng đến ngành du lịch. Cùng với đó là những ảnh hưởng tiêu cực đến rất nhiều ngành như ngành hàng không, dịch vụ, bất động sản nghỉ dưỡng… Những tác động nhanh, có sức “tàn phá” nặng nề này đã làm cho ngành du lịch gần như kiệt quệ.
Theo số liệu tính đến tháng 11/2020, Việt Nam chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế (do dừng đón khách từ tháng 3), giảm 80% so với năm 2019. Thị trường khách nội địa cũng chỉ đạt 49 triệu lượt, giảm 37,6% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, khoảng 40 - 60% lao động trong lĩnh vực du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%. Tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên tới 530 nghìn tỷ đồng, tương đương 23 tỷ USD. Đây là con số sụt giảm rất lớn.
Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch
Với những khó khăn hiện tại, thách thức nào đang đặt ra cho ngành du lịch, thưa ông?
Ông Hà Văn Siêu: Cho đến nay, mặc dù Covid-19 tại Việt Nam đã cơ bản dược kiểm soát, song tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn thế giới. Hiện chúng ta chưa thể khẳng định rằng đến khi nào đại dịch sẽ kết thúc hoặc được kiểm soát hoàn toàn để mở cửa phát triển du lịch trở lại như trước đây.
Thời gian vừa qua, trước những ảnh hưởng toàn diện, sâu sắc của dịch bệnh, toàn ngành đã có nhiều biện pháp ứng phó kịp thời như chủ động kích cầu du lịch nội địa nhằm giảm thiểu những tổn hại khi không đón được khách du lịch quốc tế.
Trong thời gian tới, ngành sẽ phải có sự đánh giá lại, tư duy lại về cách làm du lịch, xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển dù trong bối cảnh bình thường mới, khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Các giải pháp để khôi phục, phát triển du lịch trong bối cảnh “bình thường mới” là gì, thưa ông?
Ông Hà Văn Siêu: Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề đặt ra đối với ngành du lịch là nhanh chóng phục hồi và phát triển một cách an toàn, bền vững, thích ứng với bối cảnh và xu hướng mới.
Trong đó, 4 nhóm giải pháp để phục hồi, phát triển du lịch gồm:
Một là cơ cấu lại thị trường khách du lịch. Khi nhu cầu du lịch thay đổi, ngành du lịch phải tính lại các nhóm phân khúc thị trường theo xu hướng mới.
Theo đó, khách du lịch giờ đây có nhu cầu về những sản phẩm du lịch an toàn. Họ cần một không gian an toàn, dịch vụ du lịch an toàn, có lợi cho sức khoẻ. Bên cạnh đó, người ta cũng tìm đến những địa điểm du lịch không quá đông người như du lịch sinh thái có lợi cho sức khoẻ, du lịch suối khoáng, du lịch thể thao, du lịch sinh thái nông nghiệp.
Khách du lịch sẽ đi nhiều hơn đến những miền đồng quê, miệt vườn, thậm chí là những điểm đến mới mà trước nay chưa được biết tới.
Dựa trên nhu cầu thay đổi của du khách, ngành du lịch sẽ phải cơ cấu lại thị trường, phân khúc sản phẩm để thiết kế ra các sản phẩm phù hợp.
Những điểm đến mới, trước đây chưa đông khách thì bây giờ có cơ hội, những nơi xa xôi hẻo lánh, những nơi chưa được ai để ý nhưng có nhiều tài nguyên du lịch thì bây giờ có cơ hội phát triển các loại hình du lịch phù hợp với nhu cầu.
Trong khi đó, những khu nghỉ dưỡng biển trước đây tập trung quá đông người trong tương lai có thể sẽ vắng khách hơn. Thay vào đó, những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng trên núi có thể sẽ trở thành xu hướng mới của thị trường.
Những điểm đến mới, trước đây chưa đông khách thì bây giờ có cơ hội, những nơi xa xôi hẻo lánh, những nơi chưa được ai để ý nhưng có nhiều tài nguyên du lịch thì bây giờ có cơ hội phát triển các loại hình du lịch phù hợp với nhu cầu"
ÔNG HÀ VĂN SIÊU - PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC DU LỊCH
Hai là tiếp tục phối hợp công - tư trong đầu tư phát triển du lịch.
Thực tế cần nhìn nhận rằng, bên cạnh những khó khăn của năm 2020, khi ngành du lịch đình trệ, đây cũng chính là thời điểm để toàn ngành nhìn nhận và tính toán lại, cơ cấu lại thị trường, đặt mục tiêu phát triển du lịch lên một tầm cao mới.
Sau giai đoạn khủng hoảng này, ngành du lịch Việt Nam sẽ bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới dựa trên nền tảng phát triển của năm 2019. Để làm được điều này đòi hỏi sự vào cuộc của cả nhà nước và doanh nghiệp – hợp tác công tư để đầu tư từ hạ tầng du lịch, các điểm đến đến và sản phẩm mới nhằm đưa ngành du lịch phát triển bứt phá.
Nhà nước và doanh nghiệp cần hợp tác cùng đầu tư hạ tầng, sân bay bến cảng, cùng với đó là những điểm đến mới tạo ra những không gian du lịch phù hợp với bối cảnh dịch bệnh.
Trong đó, đáng chú ý là cần phát triển những sản phẩm du lịch an toàn, các khu du lịch theo xu hướng vừa phân tán vừa tập trung. Phân tán về cơ sở lưu trú, khách du lịch nhưng vẫn có sự kết nối chặt chẽ về chuỗi cung ứng, tiện ích, dịch vụ, phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Ngoài ra, các công ty phát triển du lịch cũng cần có sự liên kết với nhau để cùng phục hồi, phát triển sau dịch.
Thứ ba là chuyển đổi số trong phát triển du lịch. Quá trình chuyển đổi số trong phát triển du lịch, đặc biệt là trong quản lý, kinh doanh, nghiên cứu thị trường, tiếp thị và bán sản phẩm du lịch là yêu cầu mang tính chất “sống còn”. Kể cả không có Covid-19, việc chuyển đổi số cũng cần được thực hiện nhưng trong bối cảnh dịch bệnh lại càng cần thúc đẩy nhanh hơn nữa. Dịch bệnh Covid-19 tạo yêu cầu, thách thức và sức ép đòi hỏi ngành du lịch chuyển đổi số mạnh mẽ để phát triển.
Tuy nhiên, muốn chuyển đối số, ứng dụng được các phần mềm công nghệ thông minh trong phát triển du lịch đòi hỏi phải có các dữ liệu số về du lịch, tài nguyên, sản phẩm lưu trú, khu du lịch nghỉ dưỡng, di sản, ẩm thực… Tất cả những tài nguyên du lịch đó cần được số hoá thành dữ liệu lớn.
Đồng thời, cần đẩy mạnh phát triển phần mềm, ứng dụng du lịch, liên kết các điểm đến để tạo ra chương trình du lịch thông minh, có sự kết nối hoàn hảo giữa các sản phẩm. Từ đó, đưa ra được sản phẩm du lịch tốt với giá tốt nhất, cắt bớt được các chi phí trung gian, không cần thiết cho khách hàng.
Thứ tư là đẩy mạnh liên kết vùng giữa các địa phương trong phát triển du lịch. Thời gian vừa qua, việc liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương trong phát triển du lịch mới chỉ dừng lại ở việc hô hào, chưa được thực hiện một cách cụ thể. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện nay, việc liên kết vùng để phát triển du lịch là hết sức cần thiết.
Cùng với ba giải pháp trên, ở giải pháp thứ tư này, các địa phương phải vào cuộc để tạo ra sự liên kết trong phát triển du lịch.Các địa phương cần liên kết để phối hợp tổ chức được những sự kiện du lịch có quy mô lớn, góp phần quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới, tổ chức các hội chợ, chương trình xúc tiến du lịch… Việc liên kết này sẽ tạo ra động lực cho phát triển du lịch của các địa phương, của vùng và liên vùng.
Bốn nhóm giải pháp này chính là trọng tâm thực hiện của ngành du lịch trong thời gian tới. Tôi tin rằng, viễn cảnh năm 2021, Việt Nam sẽ có thể vực dậy, khôi phục và phát triển trở lại ngành du lịch.
Giai đoạn khó khăn nhất của ngành du lịch đã qua.
Đây là giải pháp mang tính vĩ mô, ông có thể chia sẻ về những hành động cụ thể hơn?
Ông Hà Văn Siêu: Thứ nhất, ngành du lịch cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút khách nội địa. Hơn bao giờ hết, du lịch nội địa là thị trường khách ổn định, là “ổn áp” cho toàn ngành. Khi tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới đang diễn biến căng thẳng, ngành du lịch trong nước cần hướng tới lượng khách nội địa để bù đắp những thiếu hụt về tăng trưởng.
Để làm được điều này, ngoài các biện pháp đã thực hiện, các doanh nghiệp cần tái cơ cấu sản phẩm du lịch, đưa ra sản phẩm du lịch chất lượng cao, phục vụ khách người Việt cao cấp.
Trước đây, nếu như nhóm khách người việt ra nước ngoài du lịch lớn, xấp xỉ 10 triệu lượt/năm thì nay chúng ta phải có những sản phẩm du lịch đủ chất lượng để đáp ứng nhu cầu của nhóm khách này.
Thứ hai, ngành du lịch đang hướng tới đa dạng hoá sản phẩm, phát triển thêm những dịch vụ du lịch mới, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm hiện đang còn nhiều hạn chế.
Làm tốt được điều này sẽ giúp tăng thu cho ngành du lịch. Trong bối cảnh lượng khách du lịch giảm, việc tăng thu từ du lịch là rất quan trọng. Nó sẽ góp phần lấp đầy khoảng trống doanh thu trong bối cảnh du lịch quốc tế đang bỏ ngỏ.
Thứ ba, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ từng bước tính đến mở cửa du lịch quốc tế. Mảng du lịch quốc tế là rất lớn mà du lịch nội địa dù đã cố gắng kích cầu để giảm bớt khó khăn cho ngành nhưng vẫn không thể thay thế được.
Do đó, muốn hồi phục hoàn toàn ngành du lịch cần phải mở cửa lại du lịch quốc tế.
Theo ông, thời điểm nào là phù hợp để mở cửa trở lại thị trường khách du lịch quốc tế?
Ông Hà Văn Siêu: Để mở cửa đón khách du lịch quốc tế cần sự phối hợp tốt giữa các ngành du lịch, y tế, giao thông, ngoại giao.
Theo đó, ngành ngoại giao sẽ chọn thị trường du lịch an toàn để mở cửa trở lại đón khách, ngành y tế sẽ vào cuộc hướng dẫn xét nghiệm, công nhận những kết quả xét nghiệm Covid-19. Ngành giao thông sẽ chịu trách nghiệm đưa đón du khách đến Việt Nam và các điểm du lịch.
Vì vậy, rất khó để nói rằng thời điểm nào sẽ mở cửa trở lại du lịch quốc tế, bởi chỉ khi tất cả các yếu tố trên sẵn sàng mới có thể mở cửa được. Trong năm 2021, ngành du lịch sẽ phối hợp với các ngành khác, cố gắng nỗ lực về mọi mặt để có thể tính đến việc đón khách quốc tế trở lại trong thời gian sớm nhất.
Trong bối cảnh hiện nay, ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch?
Ông Hà Văn Siêu: 2020 là một năm đầy khó khăn của ngành du lịch. Những doanh nghiệp đã vượt qua được tâm bão Covid-19 và tồn tại được đến thời điểm này chắc chắn đã rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm quý báu để tồn tại và vượt qua khủng hoảng.
Bước sang năm 2021, tôi tin rằng, các doanh nghiệp này sẽ đứng vững và từng bước phát triển, khôi phục lại hoạt động kinh doanh.
Theo đó, một trong những hướng đi quan trọng mà doanh nghiệp cần phát triển hiện nay là mở ra các dịch vụ, sản phẩm du lịch, vui chơi giải trí mới, đặc biệt là kinh tế đêm, qua đó làm tăng giá trị, tăng thu cho ngành du lịch.
Lượng khách du lịch không đông bằng thời gian trước nhưng nếu doanh thu vẫn bằng, thậm chí là vượt thì đó là thành công rất lớn.
Đây cũng chính là cách để gia tăng giá trị cho ngành du lịch và chiến lược phát triển du lịch bền vững. Người làm du lịch hiện nay không thể làm “đại trà”như trước đây mà cần hướng đến nhu cầu của du khách nhiều hơn, mang đến những dịch vụ vượt mong đợi của khách hàng.
“Làm du lịch bằng niềm vui và sự chân thành để mang lại niềm vui cho khách hàng” cần trở thành phương châm và tâm niệm của người làm du lịch.
Ông có dự báo gì về tương lai của du lịch Việt Nam trong năm 2021?
Ông Hà Văn Siêu: 2020 là “đáy” của ngành du lịch. Giai đoạn thị trường khó khăn nhất đã qua, sang năm 2021, với những nỗ lực của toàn ngành và các doanh nghiệp, tôi tin rằng, những dấu hiệu tích cực cho ngành du lịch sẽ mở ra giống như “ánh sáng cuối đường hầm”.
Ngành du lịch sẽ tiếp tục phục hồi và phát triển, thích ứng với bối cảnh mới.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn:https://m.theleader.vn/anh-sang-cuoi-duong-ham-cho-nganh-du-lich-1612436130998.htm
- Chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia nguyên vẹn nhất của văn hoá Óc Eo ở Nam Bộ
- Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL xúc tiến, quảng bá du lịch tại Quảng Ninh
- Đồng bằng sông Cửu Long xúc tiến, quảng bá du lịch tại Quảng Ninh
- Liên hoan Cải lương toàn quốc – tỏa sáng những "kiếp tằm mãi vương tơ" (16/11/2024)
- Bế mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024
Bình luận
Bạn cần phải Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản mới để được bình luận.