Xây dựng Cần Thơ là trung tâm khoa học-công nghệ về nông nghiệp của quốc gia và khu vực

12/01/2022
727

Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, vùng đồng bằng lớn nhất nước ta. Với diện tích 3,94 triệu ha, chiếm 12% tổng diện tích cả nước; dân số 17,5 triệu người, chiếm 21% số dân cả nước.

 

Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị xác định: Xây dựng và phát triển Cần Thơ thành thành phố trung tâm vùng sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; thể hiện vai trò trung tâm vùng dẫn dắt và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương khác trong vùng. Chung quanh chủ đề này, phóng viên Báo Nhân Dân đã có trao đổi với đồng chí LÊ QUANG MẠNH (trong ảnh),
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ.

 

Phóng viên (PV): Thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã và đang triển khai chủ trương, giải pháp gì để thể hiện vai trò trung tâm vùng, dẫn dắt và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Quang Mạnh: Mục tiêu lớn của thành phố Cần Thơ hiện nay là phát huy cao nhất mọi tiềm năng, lợi thế về vị trí, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau: Tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm động lực phát triển, là đô thị hạt nhân của vùng đồng bằng sông Cửu Long; kết hợp và phát huy hiệu quả giữa nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương và nội lực của thành phố, giữa ngân sách nhà nước và nguồn lực ngoài ngân sách; tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Hoàn thành và triển khai Quy hoạch phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tích hợp phù hợp quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Hoàn chỉnh Chương trình, Đề án phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khung (hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội), phù hợp Quy hoạch phát triển thành phố, về phát triển đô thị, kế hoạch sử dụng đất qua các thời kỳ; phát triển thành phố theo hướng bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh và trên cả ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường, là thành phố an toàn, thanh bình, cộng đồng dân cư sinh sống bình đẳng, gắn kết hài hòa và thân thiện; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế, trên nền tảng thúc đẩy mạnh mẽ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học-công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo, tận dụng tốt cơ hội xây dựng và vận hành tốt hệ thống chính quyền điện tử, đô thị thông minh từ cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất lao động; chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao, có thị trường tiêu thụ; nâng cao năng lực kiến tạo, triển khai đồng bộ và quyết liệt các đề án, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các doanh nghiệp của thành phố và quốc gia. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, công tác xúc tiến đầu tư; làm tốt công tác quy hoạch, chuẩn bị tốt dự án đầu tư, tạo lợi thế trong thu hút đầu tư các nguồn vốn ngoài ngân sách. Tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn ODA tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, khoa học-công nghệ, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực.

 

Tăng cường phát triển và quản lý đô thị theo hướng đô thị loại I, đủ chuẩn. Phát triển không gian thành phố theo hướng toàn diện, cân bằng và bền vững, bảo đảm an ninh-quốc phòng, là đô thị xanh, sạch, đẹp, hình thành phát triển hài hòa với cảnh quan tự nhiên theo chuỗi các đô thị tập trung, đa trung tâm trong vùng đô thị nội thành và các đô thị vệ tinh trung tâm, thị tứ thuộc huyện. Sớm khắc phục những điểm nghẽn, nút thắt của đô thị hiện tại; phát triển đô thị hài hòa giữa cây xanh và mặt nước, có không gian đô thị nén, đan xen đặc trưng của một đô thị sông nước.

 

Phát triển khoa học-công nghệ gắn với giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Phát triển mạnh dịch vụ khoa học và công nghệ, chuyển giao ứng dụng công nghệ mới trong các ngành kinh tế-kỹ thuật và một số lĩnh vực quan trọng khác. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phát huy các nguồn lực, kết hợp xã hội hóa và hợp tác quốc tế, thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ.

 

PV: Xin đồng chí cho biết về các giải pháp, mục tiêu trong hỗ trợ phát triển thị trường khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy ứng dụng khoa học-công nghệ vào nông nghiệp của Cần Thơ và thành quả của những chủ trương, giải pháp nêu trên?

Đồng chí Lê Quang Mạnh: Thành phố Cần Thơ nằm ở trung tâm vùng đồng bằng lớn nhất cả nước. Thành phố Cần Thơ không phải là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn nhất vùng, nhưng là nơi hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế và đang có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm khoa học-công nghệ về nông nghiệp của quốc gia và khu vực.

 

Những giải pháp phát triển khoa học-công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp được thành phố xác định là: Tập trung chuyển đổi mạnh mẽ các hoạt động khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo sang cơ chế thị trường với hệ thống các giải pháp thúc đẩy cả về phía cung (tức là tiềm lực nghiên cứu, phát triển khoa học-công nghệ của thành phố) và phía cầu (từ doanh nghiệp nông nghiệp và người nông dân), đồng bộ với các giải pháp liên kết cung-cầu, phát triển thị trường khoa học-công nghệ hoạt động hiệu quả; hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, ứng dụng khoa học-công nghệ. Trong một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ đổi mới sáng tạo không phải là một mục đích tự thân. Thực chất, đó là phương thức mà thông qua đó, người dân và doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ thấp giá thành và giành được lợi thế hơn so với đối thủ cạnh tranh của mình. Các doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ không phải vì họ muốn vậy mà là họ bắt buộc phải làm vậy, nếu không đối thủ của họ sẽ đưa ra các sản phẩm tốt hơn, giá thấp hơn và sẽ lấy đi thị phần, doanh thu và lợi nhuận. Như vậy, thể chế phát triển, ứng dụng khoa học-công nghệ cần được khẩn trương hoàn thiện theo hướng hỗ trợ một cách lành mạnh và hiệu quả nhất cho các cuộc cạnh tranh giữa các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp ứng dụng khoa học-công nghệ để xác định và từ đó tập trung thúc đẩy tổ chức, doanh nghiệp nào có thể thương mại hóa tri thức một cách tốt nhất; tăng cường đầu tư nâng cao tiềm lực khoa học-công nghệ của thành phố (bên cung) với sự gia tăng vai trò của khu vực doanh nghiệp. Có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển nguồn lực trình độ cao về nông nghiệp cho các viện nghiên cứu khoa học, trường đại học và các đơn vị khoa học của thành phố; tập trung đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở đầu tư theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt cho các trường đại học, viện nghiên cứu có thế mạnh về nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến; thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp lớn, các tổ chức quốc tế đầu tư hay cùng đầu tư, tài trợ xây dựng các viện, trung tâm nghiên cứu nông nghiệp tầm quốc gia, khu vực tại thành phố Cần Thơ.

 

Đồng thời thành phố thúc đẩy bên cầu đối với khoa học-công nghệ, coi doanh nghiệp và người nông dân là trung tâm của các hoạt động khoa học-công nghệ; bao gồm các biện pháp khuyến khích người nông dân học tập và trở nên năng động hơn trong việc hấp thụ các sản phẩm khoa học-công nghệ, khuyến khích nông dân tiếp cận khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, sáng chế phát minh, áp dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; các chương trình xúc tiến, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, các chính sách hỗ trợ tín dụng cho đổi mới công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Tăng mức hạn điền để người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp có điều kiện cơ giới hóa, ứng dụng nhiều hơn khoa học-công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Thành phố chủ động đặt hàng các công trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo đột phá cho phát triển thành phố, làm động lực phát triển cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

 

Đẩy mạnh các giải pháp kết nối cung-cầu thị trường khoa học-công nghệ thông qua các chương trình phát triển các sàn giao dịch, các tổ chức trung gian như: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Cần Thơ,... nhằm kết nối sản phẩm cung của các viện nghiên cứu với cầu của doanh nghiệp và của nông dân. Tăng cường tỷ lệ ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, phát triển thêm các vườn ươm công nghệ, các khu nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ thông tin... để rút ngắn khoảng cách từ lý thuyết đến thực tiễn. Mở rộng các hoạt động hợp tác, kết nối, liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa thành phố Cần Thơ với các địa phương trong vùng. Phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu hệ sinh thái khoa học-công nghệ bằng các chương trình, giải pháp bền vững, không chỉ trong phạm vi không gian của thành phố Cần Thơ mà còn là hệ sinh thái khoa học-công nghệ chung của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

 

Nhận thức rõ vai trò và vị trí trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thành ủy Cần Thơ đã và đang xây dựng các chủ trương, chính sách (như xác định khoa học, công nghệ là khâu đột phá, ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ...) và định hướng để trở thành trung tâm tạo ra các giải pháp khoa học-công nghệ trong phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, của vùng và cả nước...

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

PHƯƠNG LIÊN, LÊ MẬU LÂM (thực hiện)

Nguồn: https://nhandan.vn/khoa-hoc/xay-dung-can-tho-la-trung-tam-khoa-hoc-cong-nghe-ve-nong-nghiep-cua-quoc-gia-va-khu-vuc-681852/

Bình luận

Bạn cần phải hoặc tài khoản mới để được bình luận.


Xin chào, xin mời bạn nhập câu hỏi tại đây!