Thương tiếng ru, giọng hò trên đất Cần Thơ

06/12/2020
2210

Nghệ nhân hò Cần Thơ. 

Đó là một lát cắt chúng tôi chứng kiến khi xem chương trình nghệ thuật tái hiện không gian Hò Cần Thơ và Hát ru của người Việt ở Cần Thơ do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ vừa tổ chức mới đây. Một lát cắt nhỏ nhưng cho thấy sự lan tỏa trong bảo tồn và quảng bá di sản.

Với chủ đề “Ðậm đà giai điệu tình quê”, chương trình đưa người xem về với không gian gốc của những loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành niềm tự hào của người Cần Thơ từ xưa đến nay. Với hò Cần Thơ, điệu hò trên sông nước, hò huê tình đối đáp giao duyên rồi hò cấy trên đồng ruộng... được thể hiện sinh động. Thú vị nhất có lẽ là trích đoạn hò đối đáp trong vở cải lương “Tiếng hò sông Hậu” của cố soạn giả Ðiêu Huyền mà chúng tôi vừa nhắc ở trên. Những câu hò dân dã, mượt mà, nghe bao lần vẫn thấy hay và lay động.

Với di sản hát ru, tác giả kịch bản - soạn giả Nhâm Hùng đã khéo léo lồng ghép thành một mạch chuyện xuyên suốt và đưa vào đó tiếng ru, tiếng ầu ơ ví dầu của mẹ ru con, bà ru cháu rồi chị đưa em ngủ. Thương sao tiếng ru chan chứa những ân tình:

“Ơ ầu ơ... Ví dầu ví dẫu ví dâu

Ví qua ví lại, ví trâu vô chuồng”

Hay là:

“Ầu ơ... Má ơi con vịt chết chìm

Con thò tay bắt nó... Ầu ơ...

Con cá lìm kìm nó cắn tay con... Ầu ơ...”

Giữa không gian náo nhiệt của Ngày hội Du lịch - Ðêm hoa đăng Ninh Kiều, giữa nhịp sống đô thị, cứ tưởng tiếng hò, giọng ru của chương trình “Ðậm đà giai điệu tình quê” sẽ lạc điệu. Nhưng không, những giai điệu trăm năm vẫn có sức hút mãnh liệt. Soạn giả Nhâm Hùng chia sẻ rằng nhiều người cũng nói với ông nỗi lo như vậy và chính ông cũng lo “không có khán giả”. Nhưng hàng trăm khán giả ngồi coi suốt buổi, có người lớn tuổi, còn phần đông là giới trẻ, đã tiếp thêm động lực cho các nghệ nhân trình diễn và ê-kíp thực hiện. Em Nguyễn Hoàng Thiên Bảo, sinh viên Trường Ðại học Tây Ðô, chia sẻ: “Nghe tiếng ru em nhớ bà ngoại em hồi trước. Tiếng ru là một phần ký ức của tuổi thơ em nên khi xem chương trình này em rất xúc động”.

“Hồi đó”, “Ký ức”, “Nhớ hồi xưa”... là những từ chúng tôi nghe nhiều từ khán giả khi xem chương trình. Một cách lan tỏa di sản đầy hiệu quả.

*

*     *

Chương trình “Ðậm đà giai điệu tình quê” là một trong những giải pháp hiệu quả của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Trong đó, Hò Cần Thơ và Hát ru của người Việt ở Cần Thơ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Những câu hò ở vùng đất Nam bộ nói chung, Hò Cần Thơ nói riêng ra đời gắn liền với quá trình khẩn hoang mở cõi về phương Nam. Thông qua cách lấy hơi, ngân, cất cao giọng hò truyền tải nội dung câu hò gắn bó mật thiết với quê hương, đất nước và con người Cần Thơ. Hò Cần Thơ là sản phẩm văn hóa tinh thần, phản ánh nét văn hóa ứng xử giữa con người với môi trường tự nhiên, với xã hội và giữa con người với con người. Theo nhà nghiên cứu Lư Nhất Vũ, Hò Cần Thơ tựu trung có 3 điệu chính là hò cấy, hò huê tình và hò mái dài. Và cũng như các địa phương khác trong cả nước, từ xa xưa người Cần Thơ đã dùng câu hát ru để dỗ trẻ ngủ. Tiếng ru của bà, của mẹ, của chị dần đi vào tâm khảm của bao thế hệ người Việt ở Cần Thơ, ăn sâu vào tâm thức văn hóa. Ðiệu hát ru của người Việt ở Cần Thơ tạo được sắc thái riêng trong âm điệu, tiết tấu và nội dung lời ru.

Hơn cả một câu hò, hơn cả một tiếng ru, những di sản văn hóa này đã làm dày thêm truyền thống của đất và người Cần Thơ qua biết bao thế hệ. Ông cha gầy dựng, con cháu vun bồi, cứ thế, văn hóa Cần Thơ lan tỏa. Cũng có người lo ngại rằng hò và hát ru sẽ mai một giữa nhịp sống hiện đại, khi không gian diễn xướng dần ít đi. Lo ngại này có lý do, nhưng với truyền thống chuộng văn hóa, trọng nhân văn của người Cần Thơ, tin rằng tiếng hò, lời ru sẽ còn ngân mãi trên đất Tây Ðô.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Nguồn:https://baocantho.com.vn/thuong-tieng-ru-giong-ho-tren-dat-can-tho-a128047.html

Bình luận

Bạn cần phải hoặc tài khoản mới để được bình luận.


Xin chào, xin mời bạn nhập câu hỏi tại đây!