Du lịch cồn Sơn nỗ lực thích ứng và phục hồi hậu COVID-19

10/01/2021
1623

Đợt dịch COVID-19 bùng phát đầu tiên vào tháng 3, du lịch Cần Thơ tạm ngừng hơn 2 tháng. Khi đó, người dân làm du lịch cồn Sơn đối mặt với nhiều khó khăn. Hàng loạt tour từ gần 40 đối tác đều huỷ. Không có khách, người dân quay về mảnh vườn, bờ ao của họ. Họ chăm sóc lại vườn tược, cảnh quan và làm mới các sản phẩm, dịch vụ. Quá trình đó đã cho ra mắt chương trình “Cồn Sơn ngày mới” khai thác các yếu tố văn hóa bản địa của người dân xứ cồn, đánh dấu cồn Sơn đón khách trở lại vào tháng 5 – khi Cần Thơ giãn lệnh giãn cách. Cồn Sơn mang sức sống mới cho du lịch Cần Thơ thời điểm đó, bằng những sản phẩm, dịch vụ mới, lạ nhưng đậm chất văn hóa miệt vườn của làng quê Nam Bộ. Đó là những nghề truyền thống được sống lại, từ vót đũa, đan võng, quết bánh phồng, làm cốm nổ…đến những sáng tạo, dày công huấn luyện với cá ăn cơm bằng muỗng, massage bằng cá có vẩy. Ông Lý Văn Bon, chủ bè cá Bảy Bon, nói: “Mình làm du lịch thì phải luôn đổi mới để mỗi lần du khách trở lại sẽ có cái mới để xem. Văn hóa đời sống sông nước miền Tây mình có nhiều cái hay lắm, chịu khó quan sát, nghiên cứu và đưa nó vào các hoạt động trải nghiệm thì du khách họ thích lắm. Qua đó, mình có thể gìn giữ những nét đặc trưng văn hóa địa phương, vừa tạo ra sản phẩm lạ cho du lịch”. Chú Bảy Bon kể, có mấy bận người ta nghe bè mình có cá lạ, độc đáo đến hỏi mua, nhưng chú không có bán. Chú bảo: “Người dân ở cồn Sơn mỗi người một sản phẩm, dịch vụ, làm là để giúp nhau nên rất đoàn kết. Chú không bán, giữ đó làm sản phẩm chung cho cộng đồng cồn Sơn”. Cho nên, ở cồn Sơn, mỗi nhà có sản phẩm riêng, không ai giống ai và cùng san sẻ giúp nhau. Với cách làm đó, cồn Sơn trở nên hấp dẫn du khách, mang tín hiệu mới cho du lịch Cần Thơ trong mùa dịch. Nhưng niềm vui chưa kịp đầy thì đợt dịch thứ hai trở lại, kéo theo hàng loạt khó khăn khác chồng chất. Cộng đồng làm du lịch cồn Sơn lại chọn cách thích ứng mới: học thêm kiến thức và kỹ năng.

Khi những cơn gió cuối năm se lạnh, báo hiệu Tết đang đến dần. Nhiều người tất bật với bộn bề công việc. Người dân cồn Sơn lại càng háo hức, mong chờ cho buổi thi “tốt nghiệp” tiếng Anh. Bởi đó là thành quả đánh giá sau mấy tháng nỗ lực học tập để thay đổi chính mình. Chị Bảy Muôn (Phan Kim Ngân)- chủ vườn Công Minh, đã ở độ tuổi U60, miệt mài nắn nót viết lại bài thuyết minh. Chị bảo: “Viết đi viết lại cho nhớ, chứ mình lớn tuổi rồi không bằng tụi nhỏ. Mình học để có thể giao tiếp với khách quốc tế, có thể giới thiệu sản phẩm nhà mình với khách cho gần gũi, chân tình hơn”. Lớp học tiếng Anh dành cho cộng đồng người cồn Sơn bắt đầu từ những ngày cuối tháng 8, khi COVID-19 tác động đến du lịch đợt thứ hai. Du lịch chỉ mới phục hồi được hai tháng, lại quay về con số không. Bà con không nản, họ nỗ lực làm du lịch theo cách khác. Đó là, học thêm một chút gì đó để phục vụ cho công việc làm du lịch của cộng đồng. Vậy là, lớp học đã diễn ra với 30 người, đủ các độ tuổi, nhỏ nhất là 8 tuổi, lớn tuổi nhất thì cũng trên 60 tuổi. Nắng mưa gì lớp học ở bè cá vẫn diễn ra, mang luôn cả gia đình: ông bà, con cháu đi học là chuyện thường thấy ở lớp học. Không chỉ học Anh văn, người dân còn tập huấn về các lớp sơ cấp cứu, học thêm các kiến thức làm du lịch bền vững từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, huấn luyện viên. Họ nỗ lực hoàn thiện bản thân mỗi ngày.

Có thể thấy, cách làm du lịch của người cồn Sơn nghe đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Những người nông dân không ngại và không ngừng thay đổi mình trên cơ sở vẫn nguyên giá trị gốc về văn hóa bản địa. Thực tế, du lịch cộng đồng cồn Sơn đã có 5 năm phát triển với nhiều biến động, nhưng cái chất dân dã, bình dị vẫn còn. Chị Năm Phước (Phan Thị Kim Phước)- chủ vườn Song Khánh, một trong những hộ gia đình gắn bó làm du lịch từ thuở ban sơ, kể: “Ngay từ đầu, chúng tôi làm du lịch đã xác định làm gì thì làm vẫn giữ nếp sinh hoạt, văn hóa bản địa. Mình trong xóm đối đãi với nhau như thế nào thì đối với khách cũng vậy. Người ta quý nhau là ở cái chân tình như thế”. Ông Trần Hoàng Tuyên, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), văn phòng tại Cần Thơ, từng nói rằng: “Nước mắm đồng của chị Bảy Muôn được biết đến và yêu thích nhiều không hẳn vì nó loại ngon nhất, mà là chơn chất nhất. Cũng như những người dân cồn Sơn, họ làm du lịch bằng những giá trị sẵn có một cách thiệt thà nhất. Đó là những giá trị bản địa rất trân quý, bản sắc văn hóa khó nhầm lẫn và tạo ra cá tính riêng biệt cho người cồn Sơn”. Có lẽ chính vì thế, trải qua 3 đợt ảnh hưởng vì dịch COVID-19, cồn Sơn vẫn làm du lịch bình ổn. Thiên nhiên ưu ái cồn Sơn khi vẫn giữ được vẻ đẹp hồn hậu với cảnh vườn cây, ao cá, bến sông.., giữa đô thị nháo nhiệt. Du lịch cồn Sơn nổi tiếng không chỉ bởi những sản phẩm, trải nghiêm mới là, mà ở đó còn những con người đặc biệt. Từ chú Bảy Bon đến chị Bé đưa đò, chị Năm Phước, Bảy Muôn, Năm Minh…đều là những cá thể độc đáo trong cộng đồng đậm bản sắc văn hóa miệt vườn Nam Bộ. Có thể nói, văn hóa bản địa là nền tảng cơ sở để làm du lịch lâu bền. Dù ngoại lực có tác động, nó vẫn giữ nguyên giá trị và phát triển bền vững. Du lịch cộng đồng cồn Sơn cũng thế, vẫn không ngừng cho ra những sản phẩm mới giữa những thách thức. Qua mỗi lần thử thách, sóng gió, bà con lại có sản phẩm mới. Người cồn Sơn lúc nào cũng thân tình và chưa bao giờ hết lạc quan trước cuộc sống. Không khí đó du khách có thể cảm nhận được trong những bữa ăn, những hôm gói bánh quây quần cùng nhau.

Những giá trị đó phải bắt nguồn từ con người và đó phải là người địa phương có những tri thức bản địa, hiểu được những giá trị tương quan với môi trường. Có như vậy du lịch mới có thể tái tạo, phát triển bền vững. Vì thế, trước nhiều biến động, hay ảnh hưởng của những đợt dịch COVID-19, du lịch cồn Sơn vẫn giữ vững và phát triển theo cách của riêng nó

ÁI LAM

Trải nghiệm làm bánh cùng chị Bảy Muôn. Ảnh: Kiều Mai

Lớp học tiếng Anh ở bè cá Bảy Bon. Ảnh: Kiều Mai

Massage bằng cá có vẩy tại bè cá Bảy Bon. Ảnh: Kiều Mai

 

Bình luận

Bạn cần phải hoặc tài khoản mới để được bình luận.


Xin chào, xin mời bạn nhập câu hỏi tại đây!