Cú huých” cho du lịch Cần Thơ

11/02/2020
7276

Tăng chuyến bay, Cần Thơ “đưa” ĐBSCL đi xa hơn

Từ tháng 4-2019, không kể bay thuê bao (charter), Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ đã có thêm các đường bay nối Cần Thơ với Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Côn Đảo, Vinh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Kuala Lumpur (Malaysia) và Bangkok (Thái Lan) của các hãng Vietnam Airlines, VietjetAir, Bamboo Airways, AirAsia... Việc mở ra nhiều đường bay, tăng chuyến, kết nối Cần Thơ đi nhiều nơi trong và ngoài nước đang được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn việc phát triển du lịch và cả đầu tư, thương mại của vùng ĐBSCL.

Còn nhớ hôm 2-5-2019, ông Kenny, du khách người Thái Lan, một trong 76 hành khách trong chuyến bay đầu tiên của hãng AirAsia từ Bangkok đáp xuống sân bay Cần Thơ, đã trả lời chúng tôi: “Tôi đã đi nhiều nơi ở Việt Nam và đây là lần đầu tiên tôi tới Cần Thơ vì nghe tiếng Cần Thơ rất đẹp; tôi sẽ ở đây hai tuần để khám phá Cần Thơ”. Còn bà Laddawan Meesupwatana, Giám đốc sản phẩm của AirAsia thị trường Đông Dương, khi trả lời báo giới đã nhấn mạnh rằng đường bay Cần Thơ - Bangkok với tần suất 3 chuyến/tuần sẽ tạo điều kiện thúc đẩy mạnh du lịch cho cả hai bên. “Đường bay mới này cũng là sự tiếp nối thành công cho đường bay Cần Thơ - Kuala Lumpur (Malaysia) vừa mở vào đầu tháng 4-2019”, bà Laddawan Meesupwatana nói.

          Hôm đó, ông Phạm Thanh Tâm, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ, cho biết đến hết tháng 4-2019, sau khi có thêm các đường bay mới, số chuyến bay tăng 35%, lượng hành khách tăng 29%, hàng hóa bưu kiện tăng 25% so với cùng kỳ năm 2018. Ông Tâm nhấn mạnh, lâu nay sân bay Cần Thơ mới chỉ khai thác được 40% công suất trong khi khả năng đón được từ 3-5 triệu hành khách và khoảng 5.000 tấn hàng hóa mỗi năm.

          Cũng trưa hôm đó, trả lời chúng tôi, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, tỏ ra lạc quan: “Đây là cơ hội để Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL thu hút thêm du khách và đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư làm ăn ở Cần Thơ đã mong muốn điều này vì lâu nay họ bay tới TPHCM rồi phải đi đường bộ tiếp hơn 3 giờ mới đến Cần Thơ. Tôi tin sẽ có thêm nhiều du khách và nhà đầu tư đến với Cần Thơ bằng các đường bay thẳng này”. Ông Dương Tấn Hiển cho biết, Cần Thơ cũng đã quy hoạch, dành hẳn 300 héc-ta đất trên đường Võ Văn Kiệt ở gần sân bay Cần Thơ để mời nhà đầu tư làm khu logistics hàng không và sẽ có thêm hai đường bay quốc tế nối Cần Thơ với Hàn Quốc và Nhật Bản, do VietjetAir khai thác.

          Cùng đón khách hôm đó, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc Sở VH-TT-DH TP Cần Thơ, nhận định: “Cần Thơ là trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch; trung tâm giáo dục đào tạo, y tế, tài chính của ĐBSCL thì khi có thêm các đường bay mới, hoạt động giao thương nói chung và du lịch nói riêng giữa Cần Thơ với các tỉnh, thành trong nước và quốc tế sẽ thêm thuận lợi”.

          Theo ông Võ Thanh Tân Chi nhánh Vietravel Cần Thơ, khi có thêm các đường bay nội địa và quốc tế, sẽ tạo điều kiện để Vietravel đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng cường tần suất khởi hành và giảm chi phí dịch vụ. Khách hàng cũng sẽ được lợi khi sử dụng sản phẩm dịch vụ đa dạng hơn, giá tốt hơn, nhiều lựa chọn phương tiện vận chuyển và ngày khởi hành phù hợp hơn.

          Liên quan đến lĩnh vực đầu tư, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ (CPA), cho biết đến lúc đó mới có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Cần Thơ với 83 dự án, vốn đăng ký 727,15 triệu USD. Mức độ còn khiêm tốn này, theo ông Tùng, là do đa số các nhà đầu tư nước ngoài chưa biết nhiều về Cần Thơ; họ chỉ biết Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng do thuận tiện đường bay trực tiếp. “Việc mở các đường bay mới từ Cần Thơ đi quốc tế sẽ giúp tăng cơ hội quảng bá hình ảnh, dự án kêu gọi đầu tư của Cần Thơ nói riêng và cả ĐBSCL đến các nhà đầu tư nước ngoài cũng như tạo điều kiện để họ trực tiếp đến Cần Thơ và ĐBSCL tìm cơ hội đầu tư cũng như đi du lịch”, ông Tùng nói.

“Cú huých” này đã giúp gia tăng đáng kể du khách đến với Cần Thơ năm 2019. Theo số liệu của Phòng Quản lý du lịch thuộc Sở VH-TT-DL Cần Thơ, năm 2019, số khách quốc tế lưu trú đạt 409.023 lượt (tăng 12,4% so với năm 2018, đạt 104,9% kế hoạch năm) và khách nội địa lưu trú đạt 2.597.692 lượt (tăng 13,2% so với năm 2018, đạt 106% kế hoạch).

          VITM Cần Thơ 2019

          Đây là lần đầu tiên, Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam (VITM) được tổ chức tại Cần Thơ, từ 29-11 đến 1-12-2019. Tại Diễn đàn “Phát triển du lịch ĐBSCL” sáng ngày 29-11, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhấn mạnh: “ĐBSCL là vùng đất rất giàu tài nguyên du lịch nhưng du lịch ĐBSCL phát triển khá chậm cả về lượng khách, sản phẩm, nguồn nhân lực và công tác xúc tiến”. Về kết quả Hội chợ này, xin trích Thông cáo báo chí của Ban tổ chức phát hành ngày 1-12-2019:

          “Với chủ đề “Du lịch ĐBSCL với cả nước”, VITM Cần Thơ 2019 đã thu hút sự quan tâm của du lịch cả nước, đặc biệt là của các doanh nghiệp du lịch khu vực ĐBSCL. VITM Cần Thơ 2019 đã khẳng định tiềm năng du lịch to lớn của ĐBSCL; thể hiện sự cam kết của du lịch cả nước với du lịch ĐBSCL.

          Tại Hội chợ, Ban Kinh tế Trung ương đã chỉ đạo và chủ trì Diễn đàn Phát triển du lịch ĐBSCL. Hội thảo về sản phẩm du lịch ĐBSCL tiếp đó cũng đã cho thấy khu vực này có đủ điều kiện để trở thành một trung tâm du lịch của cả nước. Hàng loạt các hoạt động ở Hội chợ đã tạo cho VITM Cần Thơ 2019 sắc thái riêng của miền sông nước, trái cây, miệt vườn với đờn ca tài tử.

          Sau 3 ngày hoạt động sôi nổi với sự tham gia của trên 321 gian hàng của các doanh nghiệp đến từ 25 tỉnh, thành phố của Việt Nam và từ 6 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, VITM Cần Thơ 2019 đã thu hút khoảng 30.000 lượt người tham quan, mua sắm các sản phẩm du lịch. Trên 80 công ty du lịch đã tham gia chương trình kích cầu; nhiều khách đăng ký mua tour du lịch nội địa và quốc tế tại Hội chợ. Kết quả nổi bật của Hội chợ là đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, của các cấp, các ngành về du lịch và tạo cơ hội cho sự kết nối giữa các vùng trong cả nước với du lịch ĐBSCL. Hàng chục tỉnh, thành phố cũng đã tổ chức thành công các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch tại Hội chợ”.

           Riêng với Hội thảo “Giới thiệu sản phẩm du lịch khu vực ĐBSCL” tổ chức vào ngày 30-11 trong khuôn khổ VITM 2019, xin trích 3 ý kiến sau đây:

          Ông Trần Việt Phường – Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL: “Thời gian qua, Hiệp hội du lịch ĐBSCL, các địa phương trong vùng và TPHCM đã có nhiều nỗ lực tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Các tỉnh, thành và các bộ, ngành đã có tiếng nói chung, thông qua nhiều hoạt động thiết thực. Các địa phương trong vùng ĐBSCL cũng đã ký kết với nhau và với TPHCM các chương trình hợp tác du lịch, xây dựng, phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc thù và triển khai thực hiện. Sự phát triển của ngành du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh vùng đất và con người ĐBSCL.

Tuy nhiên, tiềm năng du lịch vùng còn chưa được đầu tư đúng mức cũng như khai thác có hiệu quả nhất. Cách làm du lịch vẫn còn mang nặng tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Tình trạng chung là không gian du lịch vùng bị ngắt khúc. Hoạt động du lịch chưa tập trung xây dựng các sản phẩm đặc thù, tạo sức lôi cuốn, hấp dẫn du khách. Hầu hết các địa phương đều tổ chức khai thác các sản phẩm du lịch chung giống nhau dễ gây nhàm chán, phần lớn dựa vào thiên nhiên, khai thác sẵn có mà thiếu đầu tư dài hạn, thiếu sự liên kết chặt chẽ, mạnh ai nấy làm”.

TS Trần Hữu Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL: Sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL chính là Thế giới sông nước Mekong(Mekong Water World) gắn với giá trị cảnh quan sông nước, văn hóa bản địa, du lịch sinh thái, xây dựng không gian bảo tàng lúa nước, bảo tàng ẩm thực đặc sắc Nam Bộ, đờn ca tài tử, chợ nổi trên sông, vùng sinh cảnh ngập nước và biển đảo là sự thể hiện ngắn gọn những giá trị cốt lõi của du lịch ĐBSCL với đặc điểm tự nhiên, hệ sinh thái đất ngập nước, biển đảo Đông – Tây Nam và là kết tinh của quá trình lịch sử lao động sáng tạo của bao thế hệ người đồng bằng, văn hoá đc đáo, giàu bản sắc thể hiện qua các lễ hội, làng nghề, di tích văn hoá lịch sử, tạo ra nguồn tài nguyên du lịch nhân văn giá trị”.

Ông Nguyễn Minh Tuấn – Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ: Cần Thơ là đô thị miền sông nước với hệ thống sông ngòi kinh rạch chằng chịt, hệ thống cồn, cù lao, vườn cây trái.... Cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông thủy, bộ, hàng không, thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn, du thuyền, homestay, resort… kết nối với vùng ĐBSCL và ra quốc tế.

TP Cần Thơ có tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn thuận lợi cho việc định vị sản phẩm du lịch là du lịch ẩm thực, du lịch văn hóa, du lịch sông nước, du lịch sinh thái và du lịch MICE. Đặc biệt, du lịch sông nước và du lịch MICE là hai loại hình du lịch tối ưu và là điều kiện để kết nối tuor tuyến với các chương trình du lịch từ đại trà đến chuyên đề.

Chúng tôi phấn đấu sang năm 2020, thu hút khoảng 3,48 triệu du khách lưu trú tại Cần Thơ. Trong đó, khách quốc tế khoảng 480.000 lượt và khoảng 3 triệu lượt khách nội địa để đạt doanh thu du lịch khoảng 5,4 ngàn tỉ đồng”.

Huỳnh Kim

Bình luận

Bạn cần phải hoặc tài khoản mới để được bình luận.


Xin chào, xin mời bạn nhập câu hỏi tại đây!